Quang Thuận; chúng tôi nhấn mạnh). Người ta tưởng phe ngoại không
thể có mặt dưới triều ông vua vừa chê người khác, nhưng ông sử quan
Vũ Quỳnh sau khi không tiếc lời ca tụng Thánh Tông, lại thấy là có
dịp để khen tiếp sự việc “(vua) dùng họ mẹ làm việc duyệt xét (nên
chỉ) rủ áo khoanh tay mà trong nước được yên ổn”. Mâu thuẫn không
phải chỉ do sự nịnh nọt của sử thần mà là do lý thuyết đem ứng dụng
vào thực tế làm nảy sinh phức tạp.
Lý thuyết Nho vẫn dành một địa vị trang trọng cho người phụ nữ,
tất nhiên trước hết là trong gia đình, nhưng không khỏi lan ra ngoài xã
hội, điều nhà nho thường cố sức ngăn chặn bằng những lời cảnh cáo
mà vẫn không hiệu quả. Lễ ký tuy dành phần ưu thế cho phía đàn ông
nhưng vì mối liên hệ tương quan nam nữ rất cần thiết cho sự vững bền
của thể chế nên không thể bỏ qua sự trọng đãi người phụ nữ, một khi
đã ràng buộc họ vào bổn phận. Qua các phần nghi thức của hôn nhân,
ta thấy rõ điều đó; “Hôn lễ hoàn tất... cô dâu bái kiến các bậc tôn
trưởng... Cô dâu được ban rượu ngọt... xuống làm cơm để rõ đạo phụ
nữ thuận tòng... Sáng sớm hôm sau cha mẹ làm cơm đãi con dâu...
Cha mẹ ăn xong đi xuống bậc phía tây trước, cô dâu xuống bậc phía
đông sau, có ý là từ nay cô dâu là người thay mặt mẹ chồng lo việc
nhà... Nghi lễ chấp nhận con dâu đã xong... có ý nghĩa là con dâu đã
có tư cách thay thế mẹ chồng... Phụ nữ có thuận tòng thì trong nhà
mới hòa hợp, nhà có hòa hợp thì sau mới lâu dài. Cho nên bậc thánh
vương coi trọng điều ấy lắm vậy”. (Bản dịch đã dẫn, tr. 364. Chúng tôi
nhấn mạnh).
Địa vị “con gà mái gáy” của phụ nữ trong gia đình Nho giáo là do
ở lời thánh dạy “có tư cách thay thế mẹ chồng” đó. Ý nghĩa tăng thêm,
là “chủ gia đình”. Gia đình của vua cũng là gia đình. Cho nên vua còn
trẻ thì bà thái hậu “buông rèm phụ chính”, thật ra có thể ngồi ngay
giữa triều đường để bàn việc nước. Lý thuyết mới đem vào Đại Việt đã
gặp được sự đồng điệu với truyền thống cũ. Bà thái hậu mạnh mẽ ý
chí thì có thể thành Lữ hậu của Hán, Vi hậu của Đường, Từ Hy của