có ông vua mới chỉ ra sự thật không ai dám nói đó, và có lọt ra ngoài,
có lưu truyền lại hậu thế thì không phải qua tai, qua miệng của người
trong nước, người ở trong nước. Giá như đừng có ông Tây Chaigneau
giúp việc cho Nguyễn Ánh, giá ông con lai tên Đức không di tản qua
Pháp viết hồi ký thì hậu thế không biết Gia Long đã dạy cho cậu bé
bài học sinh lý đầu đời như thế nào. Và để người Việt ngày nay hãnh
diện đã có ông vua, trước cả người nước Mỹ, biết sự giáo dục sinh lý
cho trẻ con quan trọng là dường nào: nó có cơ làm đảo lộn cả một ý
thức hệ!
Như đã biết, quyển Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) là do tập
họp sử quan nhiều đời viết nên. Phần của sử quan thời Lê trung hưng
khô khốc, buộc Lê Quý Đôn phải chê bai. Thời Lê sơ có ông vua được
ngày nay coi là “nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ
lớn” (tiểu mục trong quyển sách kỷ niệm 500 năm ngày mất của Lê
Thánh Tông, xuất bản năm 1998), trừ một lời đâm-ngang của ông
Trần Quốc Vượng, nhưng ngày xưa ông sử quan Vũ Quỳnh đã có thể
nói mơ hồ về căn bệnh “xã hội” của ông hoàng đế, một phần chắc vì e
sợ lời nói không thanh tao, phần khác vì vấp phải khả năng kiến thức y
tế của thời đại. Trước ông một thế hệ, sử quan Ngô Sĩ Liên, dưới
quyền của ông vua luôn luôn đề cao thánh giáo, đã dọn lại sách sử cũ,
quyết định “lễ nhạc... chẳng có điều gì sai mà không sửa đổi” (Biểu
dâng sách), cho nên đã xóa bỏ nhiều ghi chép của người trước - tuy
không thể nào tước sạch, chỉ vì ông không hiểu người trong quá khứ
đã không sống như thời ông, không đi theo một lý tưởng chẳng bao
giờ đạt được của tầng lớp ông. Sự cách biệt đó thấy rất rõ khi so sánh
Toàn thư với Đại Việt sử lược (ĐVSL), quyển sách tuy cũng của nho
thần nhưng là người của thời đại về trước.
Chẳng ở đâu trong Toàn thư thấy được đoạn văn này:
“(Năm Ất Tỵ, 1185) Kiến Ninh Vương là Long Ích đốc suất
quan lính hơn 12.000 người đi đánh bọn Sơn Lão ở Sách Linh để
báo thù trận La Ao. Quân kéo đến đóng ở thôn Đỗ Gia, Long Ích