tròn nhạt của đèn đường. Trường An lại thổi Harmonica. “Người gợi cho
em chuyện năm xưa rất ngọt ngào, đã xa xôi rồi, đã xa xôi rồi...”
Ngày hôm sau cô bé đánh bạo nói với mẹ: “Mẹ! Con không muốn đi
học nữa!” Thất Xảo trừng mắt nói: “Vì sao?” Trường An đáp: “Bài vở con
không theo kịp, ăn uống lại quá khổ, con không sống quen.” Thất Xảo trút
một chiếc hài ra, tiện tay lấy gót hài đánh con bé một cái, chì chiết: “Bố
mày đã chẳng bằng ai, mày cũng chịu thua kém sao? Mẹ nuôi mày đâu có
chỗ nào không chu đáo, mày lại không chịu giúp mẹ mở mày mở mặt là
sao!” Trường An đan tay sau lưng, cụp mắt lại, không nói năng gì. Mấy bà
người ở già đứng bên cạnh bèn khuyên: “Chị An cũng đã lớn rồi, trong
trường hỗn tạp, quả cũng có nhiều cái bất tiện. Thực ra không đi học cũng
chẳng sao mà!” Thất Xảo trầm ngâm nói: “Dù gì cũng phải nghĩ cách lấy lại
học phí. Chẳng lẽ cho bọn nó vớ bở à?” Liền toan dắt Trường An cùng đi
đòi tiền, Trường An thà chết không chịu đi, Thất Xảo liền đem theo hai bà
người ở đi một chuyến rồi về, theo lời kể lại của cô ả, tuy không lấy lại
được tiền, nhưng cũng khiến viên hiệu trưởng hổ nhục một vố. Trường An
về sau gặp bạn trên đường, mặt thoắt đỏ thoắt tái, chẳng biết chui xuống lỗ
nẻ nào, đành vờ như không nhìn thấy, rảo bước đi qua. Bạn bè gửi thư đến
nhà, cô bé cũng không dám bóc thư, cứ nguyên đai nguyên kiện gửi về địa
chỉ cũ, cuộc đời học sinh của cô bé Trường An thế là chấm dứt từ đây.
Đôi lúc Trường An cảm thấy sự hy sinh của mình có gì đó không đáng,
cô bé thầm hối hận, nhưng cũng không kịp cứu vãn nữa. Dần dần cô bé vứt
bỏ tất cả mọi tư tưởng cấp tiến, bắt đầu an phận thủ thường. Cô bé học thói
bới móc thị phi, giở trò vặt vãnh, can thiệp vào mọi việc trong nhà. Cô có
lúc cáu kỉnh với mẹ, song từ lời nói đến cử chỉ thì lại ngày một giống mẹ
mình. Mỗi khi nhìn cô mặc quần dài, ngồi giạng chân, hai tay chống lên
mặt ghế nhô ra giữa háng, nghiêng đầu, nhìn người đối diện một cách
thương hại, quai miệng nói: “Nhà nào cũng có nỗi khổ riêng của nhà ấy, bà
chị ạ, nhà nào cũng có nỗi khổ riêng của nhà ấy!”... Ai cũng nói Trường An
là bản sao của Thất Xảo. Cô nàng còn tết một cái đuôi sam, mắt mũi biểu
cảm đều giống hệt bà mẹ năm xưa, có điều cái miệng nhỏ nhắn của cô nàng