Họ tiếp tục thảo luận về nước hoa như những người trao đổi suy nghĩ về
nghệ thuật trong viện bảo tàng: hương thơm ngọt dịu, âm u, tràn trề nhựa
sống của khu rừng sau vài ngày mưa, làn gió biển thơm mùi mạch nha, hơi
ẩm mốc nồng nặc từ nấm cục, hơi lạnh tươi mát của bầu trời tuyết trắng.
Nhanh chóng mất hết hứng thú, Daisy đi lòng vòng quanh những kệ mỹ
phẩm. Cô đã bị hắt hơi khi mở nắp một hộp phấn. Sau cô chọn một hộp kẹo
thơm và cắn rôm rốp.
Qua cuộc trò chuyện, Nettle biết được cha cô gái sở hữu một công ty ở New
York chuyên sản xuất xà phòng và hương liệu. Từ những lần ghé thăm nhà
máy và phòng thí nghiệm của công ty, Lillian đã có một nền tảng kiến thức
về hương thơm và cách pha trộn. Cô thậm chí đã giúp phát triển một mùi
hương mới cho xà phòng Bowman. Dù cô không được chỉ bảo, nhưng đối
với Nettle, rõ ràng những gì cô đã làm thật là phi thường. Tuy nhiên, tài
năng đó sẽ mãi bị chôn vùi vì giới tính của cô.
“Cô Bowman,” ông nói, “tôi có một hương liệu muốn cho cô xem. Cô vui
lòng đợi tôi vào lấy nhé!”
Cơn tò mò nổi lên, Lillian gật đầu và đặt khuỷu tay lên quầy, trong lúc
Nettle biến mất sau màn cửa dẫn vào kho hàng sau cửa hiệu. Căn phòng
chứa đầy công thức, giá trưng bày sản phẩm chưng cất, chiết xuất và cồn
thuốc, ngăn kệ thì đầy dụng cụ, phễu, chai lọ, ly tách để đong đếm nằm
ngổn ngang - mọi thứ cần cho nghề nghiệp của ông ta. Trên ngăn cao nhất
là mấy cuốn sách có bìa bọc vải lanh viết bằng tiếng Pháp và Hy Lạp cổ về
nghệ thuật chế tạo nước hoa. Một nhà điều chế nước hoa giỏi vừa là nhà giả
kim, vừa là họa sĩ và cũng là phù thủy nữa.
Leo lên chiếc thang gỗ, Nettle tìm được một hộp gỗ thông nhỏ ở kệ trên
cùng liền mang xuống. Quay ra cửa hiệu, ông đặt chiếc hộp lên quầy. Cả hai
chị em Bowman chăm chú nhìn chiếc hộp trong lúc ông mở cái chốt đồng
thau tí xíu để lộ một cái chai nhỏ được niêm phong bằng chỉ và sáp ong.