điều và phục tùng. Tình hình cũng có thể như vậy đối với Sylvinet nếu trong
năm sáu tháng, cậu ta không hề gặp mặt cậu em. Tôi sẽ bàn với ông bà cách
cách ly họ hết sức êm thấm. Trang trại của tôi ở Priche rất thịnh vượng;
nhưng ngược lại, cơ nghiệp của tôi, về phía Arthon, thì ngày càng sa sút, vì
đã gần một năm nay, người trông coi ấy bị ốm không khỏi. Tôi không muốn
sa thải anh ta vốn là một con người tốt. Nhưng nếu có thể cử đến một người
tử tế giúp đỡ, thì anh ta có thể bình phục dần, vì bị ốm chỉ là do quá mệt mỏi
và quá dũng cảm mà thôi. Nếu ông bà đồng tình tôi sẽ cử Landry tới đấy từ
nay đến hết vụ thu hoạch nho. Chúng ta sẽ cử cậu ta đi nhưng không nói với
Sylvinet là Landry đi một thời gian dài; trái lại, chỉ nói là đi trong tám ngày
thôi. Rồi sau tám ngày, lại bảo tám ngày khác, và cứ như thế cho tới khi cậu
ta quen đi. Ông bà cứ theo lời tôi, chứ đừng chiều một đứa con ông bà đã quá
chiều chuộng và để nó muốn làm gì thì làm trong gia đình.
Ông lão Barbeau có ý muốn nghe theo lời khuyên ấy, nhưng bà Barbeau
thì rất sợ hãi. Bà sợ sẽ làm Sylvinet buồn và héo hon mà chết. Phải thương
lượng với bà: bà muốn thử giữ Landry ở nhà mười lăm hôm để xem cậu anh,
lúc nào cũng gặp cậu em, có khỏi hết bệnh không. Nếu trái lại, sức khỏe cậu
ta ngày một kém sút, thì bà sẽ nghe theo ý kiến ông Caillaud.
Mọi việc dược thu xếp như vậy. Landry vui vẻ trở về Bessonnière trong
một thời gian, lấy cớ là cần giúp bố đập hết chỗ lúa mỳ còn lại, vì Sylvinet
yếu, không lao động được. Landry cố hết sức mình làm vui lòng cậu anh,
luôn luôn gặp anh, ngủ chung giường với anh, chăm sóc anh như thể một đứa
trẻ.
Ngày đầu tiên, Sylvinet hết sức vui vẻ; nhưng sang ngày thứ hai, cho rằng
Landry buồn bực bên cạnh mình và Landry không sao làm cậu ta rời bỏ ý
nghĩ ấy được. Ngày thứ ba, Sylvinet nổi giận khi thằng bé Cào cào tới gặp
Landry mà cậu em thì không sao có can đảm đuổi nó về. Rốt cuộc, cuối một
tuần, mọi người đành bó tay, vì Sylvinet ngày một thêm bất công, khó tính và