Monteverdi, mà ông này đã soạn nhạc từ gần 300 năm trước đây. Tội lỗi
chủ yếu là rượu chè và ngoại tình. Từ muôn đời nay. Mà nếu không phải từ
muôn đời nay thì ít nhất cũng từ thời mà opera được chuyển từ lâu đài đến
nhà hát và bắt đầu được bán vé và cần phải làm cho đám thường dân quan
tâm đến một cái gì đó. Phần lớn những nhạc sĩ lớn của những thời kỳ ấy
không chỉ bị nghiện âm nhạc, mà còn nghiện rượu, nghiện sự cô đơn vô tận
và nghiện những người đàn bà của mình.
Ví dụ, Beethoven đã chết vì xơ gan. Ông uống bởi ông quá nhạy cảm, lúc
nào cũng túng quẫn và thêm vào đó, ông còn bị điếc. Năm 1818 - cũng vào
năm này, cậu bé Chopin tám tuổi đã chơi trước công chúng bản concerto
đầu tiên của mình - ông bị điếc hoàn toàn, mặc dầu vậy ông vẫn tiếp tục
sáng tác. Khi biết anh bị xơ gan, ông đã thôi không uống cô-nhắc và
chuyển sang rượu vang sông Ranh vì cho rằng loại này có tính chữa bệnh
đặc biệt. Tuy nhiên, ở Beethoveen, đây có lẽ mang tính di truyền. Bởi
chromosom 21 ứng với chứng nghiện rượu là chromosom nhỏ nhất, có tính
di truyền rất cao. Ông là đứa con thứ tám của mẹ ông, trong số đó có ba bị
điếc, hai bị mù và một bị mắc bệnh tâm thần. Khi mang thai lần thứ tám, bà
bị bệnh giang mai và nghiện rượu. Bà uống vì buồn, thì cũng như Ludvig
thôi. Jennifer kể với anh với tình cảm như kề về tật nghiện rượu của chính
cha mình. Thật may mắn vì hồi đó chưa có những phụ nữ đòi bình quyền,
đấu tranh cho quyền được nạo thai của phụ nữ! Bởi chắc chắn họ sẽ khuyên
mẹ của Beethoven nạo thai và nhân loại sẽ không có Bản giao hưởng số
VII!!!
- Anh có hình dung được không, thế giới không có Bản giao hưởng số
VII??? - cô hỏi đầy hưng phấn.
Anh hình dung ra rất rõ ấy chứ. Thế giới không có bản thứ nhất, cả từ bản
thứ hai đến thứ sáu chứ chưa nói gì đến bản thứ bảy, anh cũng hình dung ra
chẳng khó khăn gì. Nhưng anh không muốn chọc tức cô. Còn cô lại tiếp
tục:
- Mà bản giao hưởng này cũng vĩ đại và quan trọng đối với nhân loại như
Kim tự tháp, Vạn lý trường thành, bộ não của Einstein, chiếc bóng bán dẫn