Giờ đây mỗi sáng vào lúc chia các đội làm việc, Kapo gọi ba người của
phòng thí nghiệm chúng tôi ra đầu tiên. “Die drei Leute vom Labor “.
Ở trại vào buổi sáng sớm và buổi tối tôi không có gì khác với đám đông tù,
nhưng ban ngày ở chỗ làm tôi được ở trong nhà ấm áp, và không ai đánh tôi
cả; tôi ăn trộm xà phòng và xăng bán đi mà không bị nguy cơ nào lớn, và tôi
có thể sẽ có một phiếu thưởng để đi mua giày da. Hơn nữa việc ở đây có thể
gọi là công việc thật không? Làm việc nghĩa là đẩy toa, vác tà vẹt, đập đá,
đào đất, áp hai tay trần đẩy vào cái lạnh kinh hồn của sắt đóng băng. Còn tôi
thì được ngồi cả ngày với quyển vở và cái bút chì, người ta thậm chí còn đưa
cho tôi một cuốn sách để ôn lại các phương pháp phân tích. Tôi có ngăn kéo
để để mũ và găng, còn khi nào muốn ra ngoài thì chỉ việc báo với Herr
Stavvinoga, anh ta không bao giờ nói không cũng chẳng hỏi gì nếu tôi về
muộn, trông như chính anh ta đang phải chịu đựng cái cảnh đổ nát xung
quanh mình.
Những bạn tù ở Kommando ghen tị với tôi, họ như thế là phải; chẳng lẽ tôi
lại không hài lòng sao? Nhưng đến sáng khi tôi khó nhọc thoát khỏi những
làn gió dữ dội đặt được chân vào bậc cửa phòng thí nghiệm thì cái điều vẫn
luôn xảy ra trong những thời khắc ngưng chiến lại vọt ra trong tôi, từ những
lúc ở Ka-Be cho đến những ngày Chủ nhật được nghỉ: nỗi khổ ghi nhớ lại,
niềm ao ước cháy bỏng xa xưa được cảm thấy mình là một con người mà chỉ
cần nhận thức từ bóng tối đến hiện tại là lập tức cháy bùng lên. Thế là tôi
cầm lấy nút chì và vở, viết vào đó những điều tôi không biết nói cùng ai.
Ở đây còn có các cô gái nữa. Không biết bao nhiêu tháng rồi tôi không
nhìn thấy một người con gái? Ở Buna chúng tôi cũng hay gặp những công
nhân nữ người Ukraine hay Ba Lan, mặc quần và áo khoác da, chắc nịch và
dữ tợn hệt như đàn ông xứ ấy. Mùa hè trông họ mồ hôi mồ kê nhếch nhác,
còn mùa đông thì to sù trong đống quần áo. Họ làm việc bằng cuốc xẻng, và
chúng tôi không hề cảm thấy ở bên mình có phụ nữ.