Thế nhưng bắt đầu một tiếng nổ ở gần và trước khi tôi kịp suy nghĩ tử tế thì
đã đến tiếng thứ hai rồi thứ ba giáng xuống váng tai. Tiếng kính vỡ, lán rung
lên, cái thìa tôi gắn vào giữa hai khe trên bức tường gỗ rơi bộp xuống sàn.
Rồi có vẻ kết thúc. Cagnolati - một thanh niên vốn là nông dân, cũng người
Vosges - trần truồng nhảy ra khỏi giường nấp vào một góc la hét, cậu ta chắc
chưa thấy ném bom lần nào.
Sau đó vài phút chúng tôi hiểu trại đã trúng bom. Các lán cháy dữ dội, hai
lán đã biến thành tro, nhưng đều là các lán không người. Khoảng chục bệnh
nhân, trần truồng khốn khổ từ một cái lán đang bị lửa thiêu chạy lại cầu cứu.
Nhưng không thể cho vào được. Đám người cố nài nỉ rồi đe dọa bằng đủ các
thứ tiếng, chúng tôi phải chặn cửa lại. Bọn họ bỏ đi sang chỗ khác, ngọn lửa
chiếu sáng bóng họ chạy chân trần trên tuyết đang tan. Sau lưng nhiều người
còn bám những dải băng bị tung ra. Lán của chúng tôi thì có vẻ chưa có
nguy cơ gì, trừ phi gió đổi chiều.
Bọn Đức không còn đấy nữa. Những tháp canh trống không.
Giờ thì tôi nghĩ nếu chưa từng có một trại tập trung như Auschwitz thì thời
chúng tôi sẽ chẳng còn ai nghĩ đến chuyện được phù hộ: nhưng đúng là lúc
ấy ký ức về sự cứu rỗi kịp thời trong Kinh Thánh vẫn thường xảy ra trong
những nghịch cảnh khủng khiếp nhất đã lướt qua tâm trí chúng tôi.
Không ai ngủ được, một tấm kính đã bị vỡ nên trong phòng rất lạnh. Tôi
nghĩ chắc chúng tôi phải tìm một cái lò sười để lắp trong phòng và đi kiếm
than, gỗ, thức ăn. Tôi biết cần phải làm những việc ấy, nhưng nếu không ai
giúp đỡ tôi sẽ không đủ sức làm được. Thế là tôi nói chuyện với hai người
Pháp.
19 tháng Giêng. Mấy người Pháp đồng ý. Ba chúng tôi thức dậy từ lúc bình
minh. Tôi ốm và lười, lạnh và sợ.