Không ai trong số chúng tôi cảm thấy đủ sức đi hai cây số sang trại của bọn
Anh rồi đẩy xe về. Nhưng chuyến đi may mắn ấy cũng mang lợi cho chúng
tôi một cách gián tiếp. Sự phân chia của cải không cân bằng đã khiến sản
xuất thương mại hưng thịnh lại. Trong cái căn phòng mang mùi chết chóc
của chúng tôi đã ra đời một nhà máy sản xuất nến có lõi tẩm axit boric dính
với nhau bằng giấy bồi. Những kẻ giàu có ở lán 14 tiêu thụ hết hàng của
chúng tôi, trả bằng mỡ lợn và bột.
Chính tôi là người tìm thấy cái khối sáp ong trong Elektromngazin. Tôi vẫn
nhớ vẻ nghi ngờ của những người nhìn tôi mang nó đi và những câu hỏi lúc
ấy:
- Cậu làm gì với cái đó?
Không phải lúc để tiết lộ một bí mật sản xuất, tôi nghe thấy tiếng mình tự trả
lời bằng cái câu tôi vẫn thường nghe được từ những ma cũ của trại, câu chứa
đựng phẩm chất được yêu thích nhất' "tù giỏi", người biết thích ứng, lúc nào
cũng xoay xở được: "Ich verstehe verschiedene Sachen" (Tớ đây biết nhiều
thứ lắm).
25 tháng Giêng. Lần này đến lượt Sómogyi. Anh ta là một nhà hóa học
người Hung khoảng năm mươi tuổi, gầy, cao và ít nói, cũng bị cả thương
hàn lẫn tinh hồng nhiệt như cậu Hà Lan. Anh ta bị một cơn sốt nặng, sau
khoảng năm ngày không một lời nào, đến một hôm anh ta mở miệng và nói
bằng một giọng bình tĩnh:
- Tôi có một suất bánh mì dưới cái xắc. Ba anh chia nhau đi. Tôi không ăn
nữa.
Chúng tôi không biết nói gì, và không động đến bánh lúc ấy. Một nửa mặt
anh ta sưng phồng. Còn tỉnh thì anh ta còn im như thóc, nhưng đến đêm hôm
ấy và suốt cả hai ngày sau thì sự im lặng bị thay thế bằng cơn mê sảng
không dứt. Theo cái giấc mơ bất tận của sự chịu đựng và cảnh nô lệ, anh ta