chàng là xếp hàng ngay sau một ai đó bị tiêu chảy thật để đảm bảo thành
công; khi đến lượt anh chàng nhờ cậu kia hợp tác (trả bằng xúp hoặc bánh
mì), nếu cậu kia chịu và y tá nhãng đi một chút, hai người đổi bô và thế là
xong. Piero biết mình đang mạo hiểm thế nào, nhưng cho đến lúc ấy mọi thứ
vẫn trót lọt.
Nhưng cuộc sống ở Ka-Be không phải vậy. Không phải những giây phút
man rợ của việc chọn lọc, không phải những cảnh kỳ cục của việc kiểm tra
tiêu chảy hay kiểm tra chấy, cũng không phải bệnh tật.
Ka-Be chỉ là Lager thiếu đi sự hành hạ thể xác. Vì vậy nếu ai vẫn còn vài
mẩu nhận thức, nhận thức sẽ hồi lại. Thế là trong những ngày dài trống rỗng
chuyện không chỉ còn về cái đói và công việc, người ta chạnh lòng nghĩ xem
mình đã bị biến thành cái thứ gì, đã bị lột mất những gì, cuộc đời này là sao.
Ở Ka-Be, trong những khoảnh khắc hiếm hoi tạm gọi là bình yên ấy, chúng
tôi học được rằng nhân cách con người thật là mong manh, dễ bị đe dọa hơn
nhiều so với mạng sống. Những nhà thông thái cổ thay vì cảnh báo chúng tôi
"hãy nhớ rằng anh sẽ chết” lẽ ra nên nhắc nhở chúng tôi còn có cả cái mối
nguy lớn ấy. Nếu từ trong Lager có thể gửi một thông điệp cho những người
tự do thì thông điệp ấy sẽ là: làm sao để không phải chịu những điều chúng
tôi đang chịu ở đây
.
Khi phải làm việc thì người ta phải chịu đựng và không còn thời gian để
nghĩ: mái nhà xưa cũng không còn trong tâm trí. Nhưng ở đây chúng tôi có
thời gian: từ giường này sang giường khác mặc dù bị cấm chúng tôi vẫn
sang thăm nhau và nói chuyện, nói và nói. Cái lán gỗ đầy những tình người
khổ đau, tràn ngập lời nói, ký ức và một nỗi đau khác. Tiếng Đức gọi nỗi
đau đó là "Heimweh"; một từ đẹp, nghĩa là "nỗi nhớ nhà".
Chúng tôi biết mình từ đâu đến: kỷ niệm về thế giới bên ngoài chiếm lấy
những giấc mơ và cả những lúc chúng tôi tỉnh táo, chúng tôi ngỡ ngàng
nhận ra mình chẳng quên gì cả, tất cả đều hiện lên trước mắt chúng tôi rõ
ràng đến đau đớn.