Ông ta lôi từ những cái túi tân thời của mình ra chai rượu bỏ
túi rồi đặt nó lên bàn trước mặt tôi. Tôi chọn martini và bảo
người phục vụ lấy cho một cốc đá cùng hai cái ly.
“Cốc-tai ngon tuyệt”, tôi nói.
“Ồ, còn nhiều lắm, à, nếu ông quen bất kỳ người bạn nào trên
tàu, hãy nói với họ ông có một vị bằng hữu, ông ta có đủ loại
rượu mạnh trên thế gian này.
Cái Ông Kelada đến là khoẻ miệng. Liến thoắng nói đủ
chuyện về New York rồi tới San Francisco . Bàn cãi về kịch, điện
ảnh, thậm chí cả chính trị nữa. Ông ta lại là một nhà ái quốc.
Ngọn quốc kỳ Anh quốc đẹp đẽ là vậy, nhưng khi nó được một
quý ông nào đó tận Alexandria hay mãi tít Beirut xa xôi nâng
niu, thì tôi không thể không cảm thấy nó bị mất mát đi phần
nào giá trị vốn có. Quý Ông Kelada cũng cá mè một lứa quá cơ.
Tôi không muốn làm ra vẻ, nhưng không thể chịu nổi khi một
gã hoàn toàn xa lạ xưng hô với mình lại bỏ quên hai tiếng “Quý
Ông” lên trước tên của mình. Hẳn Quý Ông Kelada cư xử không
đúng lối như vậy để được thân mật với tôi. Tôi không thích Quý
Ông Kelada chút nào. Tôi đã gạt bỏ đống lá bài sang một bên khi
ông ta ngồi xuống, nhưng bây giờ, nghĩ đến lần gặp gỡ đầu tiên
này, cuộc chuyện trò đã kéo dài quá lâu rồi, tôi lại tiếp tục chơi
bài.
“Con ba trên con bốn”, Ông Kelada chen vào.
Thật không có gì tức hơn là khi bạn đang chơi bài paxiên (lối
đánh bài một người – TYPN) mà bị kẻ đứng ngoài chõ mõm vào
mách lẻo cho biết vị trí cần đặt quân bài bạn đã rút lên trước lúc
bạn có diễm phúc tự làm điều đó.
“Lộ rồi, lộ rồi”, ông ta gào lên, “con 10 trên con bồi”.
Tôi ngừng ván bài, lòng đầy tức giận và căm ghét.
Rồi ông ta chộp lấy bộ bài.
“Ngài có thích thuật đánh bài không ạ?”
“Không, tôi ghét ba cái trò đó”, tôi đáp.