tỉ mỉ kỹ càng. Một nụ cười đắc thắng lan đều trên khuôn mặt
đen bóng của ông ta. Ông ta trả lại sợi dây. Chuẩn bị lên tiếng.
Bất ngờ ông nhìn thấy nét mặt của bà Ramsay. Vẻ mặt ấy càng
ngày càng trắng bệch đi như thể bà ta sắp ngất xỉu vậy. Bà ấy
nhìn trừng trừng ông ta bằng đôi mắt hoảng loạn và mở rất to.
Đôi mắt ấy chan chứa sự van nài mà tuyệt vọng; điều ấy quá lộ
liễu, tôi không rõ tại sao ông chồng bà ta không thấy.
Ông Kelala chết lặng, miệng ngoác ra. Mặt đỏ tía tai. Bạn
dường như có thể cảm nhận được nỗ lực mà ông ta đang gắng
thực hiện là kiềm chế bản thân mình.
“Tôi lầm rồi”, ông ta nói. “Quả là hàng giả mà làm như thật
vậy, nhưng tất nhiên, ngay khi tôi dùng cái kính của mình, tôi
phát hiện ra ngay nó không phải là đồ thật. Tôi cho rằng cái giá
18 đô la là quá đắt cho cái thứ chết tiệt này.”
Ông ta móc túi lấy tờ bạc 100 đô la. Đưa cho ông Ramsay mà
không thốt ra lời nào.
“Có lẽ vụ này sẽ dạy cho ông biết là đừng bao giờ quá kiêu
ngạo nữa nha, ông bạn trẻ của tôi” Ông Ramsay vừa nói vừa
giựt lấy đồng bạc kia.
Tôi để ý thấy đôi bàn tay ông Kelala đang run lên.
Câu chuyện loang ra cả con tàu, quả là tiếng lành đồn xa,
tiếng dữ đồn xa, và tối hôm đó ông ta nhận được biết bao nhiêu
là lời đàm tiếu. Thật là khéo diễu nhau khi “Ông Biết Tuốt” bị
bắt tại trận. Nhưng bà Ramsay sớm cáo lui về phòng riêng nghỉ
bởi chứng đau đầu nó hành.
Sáng hôm sau tôi thức dậy và cạo râu. Ông Kelala vẫn nằm
trên giường rít thuốc. Bỗng nhiên có tiếng xào xạo nho nhỏ rồi
tôi thấy một bao thư được từ từ đẩy vào ở dưới cánh cửa. Tôi mở
cửa nhìn ra xa. Không có ai cả. Cầm bao thư lên, thấy địa chỉ
người nhận là ông Kelala, chữ viết dạng khối. Tôi mang đưa cho
ông ta.
“Ai thế này?” Ông ta mở nó ra. “Ối trời!”