phấn chấn bằng chút rượu mạnh để đương đầu với những công
việc thường nhật với tư cách là người chồng thứ hai của nàng.
Rất có thể chàng cứ theo đà uống mãi Louise sẽ không ưa,
nhưng may mắn thay (cho nàng) chiến tranh bùng nổ. Chàng
lên đường nhập ngũ và ba tháng sau lìa trần. Louise choáng
váng. Tuy nhiên, nàng cảm thấy đây không phải là lúc thả lỏng
cho mối sầu tự do nẩy nở, nói ví thử nàng có lên cơn đau tim thì
cũng chẳng ma nào biết. Để khuây khỏa, nàng biến cái biệt thự
ở Monte Carlo thành nhà dưỡng thương cho các sĩ quan. Bạn
hữu đinh ninh nàng sẽ không thể nào sống nổi với công việc
nặng nhọc ấy.
"Dĩ nhiên tôi sẽ chết vì nó. Tôi biết thế nhưng cần gì ? Tôi
cũng phải ghé vai gánh vác phần tôi chứ?" nàng nói.
Nhưng công việc nhà thương đã không giết chết nàng. Nàng
có thì giờ vui sống. Không một nhà dưỡng bệnh nào ở Pháp lại
được hoan nghênh như thế. Tình cờ tôi gặp nàng ở Paris. Nàng
dùng cơm trưa ở Ritz với một thanh niên Pháp cao ráo và rất trẻ
đẹp. Nàng giải thích rằng nàng đang có việc liên quan đến nhà
thương. Nàng cho biết các sĩ quan rất dễ thương với nàng. Họ
biết sức khoẻ của nàng mỏng manh như thế nào nên không ai
nỡ để nàng làm bất cứ một việc gì. Họ đua nhau săn sóc nàng,
ấy, cứ như tất cả đều là chồng nàng hết. Louise thở dài.
"Thật tội nghiệp cho Gerorge, có ai tưởng tượng được rằng
với một quả tim tật bệnh như thế này mà tôi lại sống dai hơn
chàng ?"
"Tội nghiệp cho cả Tom nữa" tôi chêm.
Tôi không rõ vì sao nàng không thích tôi nói như thế. Nàng
ban cho tôi một nụ cười phiền trách và đôi mắt đẹp của nàng
rưng rưng.
"Lúc nào anh cũng thở ra những câu làm như anh tiếc rẻ
không muốn cho tôi hưởng nốt mấy năm thừa của đời tôi."