ấy vượt qua chúng dễ dàng bằng sự cao thượng, trong sáng của
mình – Peter cười thoả mãn – Cuộc đời lại bắt chước nghệ thuật,
thật ngạc nhiên đúng không? Tôi nói thật đấy, chúng giống
nhau đến tuyệt vời.
Tôi định phản bác nhưng lại thôi, tôi thầm nhún vai, quả
thực tôi rất ngạc nhiên. Peter chỉ nhìn thấy ở La Falterona
những gì anh ta nghĩ từ trước. Nhưng cũng có tí chút đẹp trong
cái sai của anh ta: chất thơ. Chúng tôi đi ngủ và hai hoặc ba
ngày sau đó Peter đã thấy tìm thấy một nhà trọ phù hợp và dọn
đi.
Một thời gian sau cuốn sách của anh ta xuất bản và, cũng
như phần lớn các tiểu thuyết thứ hai của các tay viết trẻ, cuốn
sách này không được thành công lắm. Những nhà phê bình đã
từng đánh giá quá cao tác phẩm đầu tay của Peter Melrose giờ
lại tỏ ra khó tính một cách thái quá. Tất nhiên là viết hồi ký về
những người mà ta đã biết trong thời niên thiếu là một chuyện
còn sáng tác ra một câu chuyện với những nhân vật tưởng
tượng lại là chuyện khác. Tiểu thuyết của Peter dài quá. Anh ta
đã thả mình quá trong việc miêu tả và sự hài hước của anh ta
thì vẫn thô thiển như xưa. Tuy nhiên anh ta đã rất khéo léo tái
tạo thời gian và trong cốt truyện thơ mộng vẫn có cái run rẩy
của niềm đam mê thật sự mà tôi đã từng rất thích trong cuốn
sách đầu.
Sau bữa ăn tối ấy tôi đã không gặp lại La Faltarona trong hơn
một năm liền. Bà ấy đã có một cuộc lưu diễn dài ở Châu Mỹ la
tinh và chỉ trở lại nhà nghỉ bờ biển vào cuối mùa hè. Một hôm
bà ta mời tôi dùng bữa tối nhẹ. Chỉ có chúng tôi và thư ký của bà
ta. Đó là một phụ nữ người Anh, tên là Glaser, La Falterona đối
xử với cô ấy một cách thậm tệ, luôn miệng chửi thề nhưng lại
rất cần cô ta. Cô Glaser là một người kì quặc, khoảng hơn 50
tuổi, mặt nhăn nheo vàng vọt như là bị bỏ đói. Cô ta biết tất cả
mọi chuyện về La Falterona, vừa tôn thờ lại vừa căm ghét bà ấy.