gì với họ nữa. Tất cả đều trở thành vô nghĩa kinh khủng. Những
chuyện không ra cái quái gì cũng làm mình bận rộn lo nghĩ. Chỉ
có ồn ào và ngột ngạt. Vâng, ở đây thế mà hơn. Tôi sẽ còn nhúc
nhắc ở đây cho đến lúc họ mang tôi đi, hai chân ra trước trong
cái áo quan.
Bác sĩ có cho Ashenden biết nếu chàng chịu khó giữ gìn sức
khỏe, thì trong một thời gian không lâu, chàng sẽ lại bình phục.
Chàng tò mò nhìn Leod, hỏi:
— Ông làm gì cho hết ngày ở đây?
— Làm gì? Khi mang chứng lao phổi là cả một sự bận rộn
suốt ngày, ông bạn ơi. Đo nhiệt độ và cân này, thay áo quần này.
Ăn sáng, đọc báo, đi dạo, rồi nằm nghỉ này. Ăn trưa này, đánh
bài bridge và lại nằm nghỉ một lần nữa này. Ăn tối, lại đánh bài
và ngủ. Hết! Ở đây họ có một thư viện cũng tạm được, có cả
những sách vừa mới xuất bản, nhưng thú thực tôi không có thì
giờ để đọc. Tôi trò chuyện tầm phào với hết người này đến người
khác. Ở đây, ông gặp đủ hạng người. Họ đến rồi họ đi. Họ đi, có
khi vì tưởng là lành bệnh, nhưng một số lớn lại quay trở lại; và
có khi họ đi luôn, vì đã chết. Tôi nhìn khối người ra đi khỏi đây,
và tôi hy vọng sẽ còn nhìn thấy nhiều, nhiều nữa, trước khi đến
phiên tôi ra đi.
Cô gái ngồi phía bên kia Ashenden bỗng cất tiếng nói với
chàng:
— Tôi có thể nói với ông ít người có thể đùa cợt được với cái
chết một cách nhiệt tình như ông Leod đây.
Ông Leod cười khoái trá:
— Chuyện đó thì tôi không rõ, nhưng tôi cho rằng sẽ trái với
bản tánh ích kỷ của con người, nếu tôi không tự bảo với tôi:
“Thực phúc cho mày! Hắn chứ không phải mày bị đưa lên xe
tang”.
Ông Leod đoán chừng Ashenden chưa biết cô gái kiều diễm
ấy, nên giới thiệu: