nàng về cuộc đời đều là những gì nàng đã học hỏi ở các bệnh
viên, nên nàng là hiện thân kỳ diệu của sự hòa hợp giữa cái
ngay thơ cùng tột và cái sành sỏi cũng cùng tột. Trong đời nàng,
nàng đã để cho bao nhiêu cuộc tình duyên trôi qua mà không bị
vướng mắc. Một số đông đàn ông, thuộc đủ quốc tịch, đã tỏ tình
với nàng. Nàng đón nhận cảm tình của họ một cách tự chủ và
nghịch ngợm, nhưng nếu họ đi quá xa, nàng cũng có đủ cương
quyết để đối phó với họ. Tánh tình nàng thực cứng cỏi, ít khi
người ta có thể ngờ được ở một người con gái mảnh khảnh như
hoa ấy. Khi cần cự tuyệt, nàng biết diễn đạt ý muốn của mình
một cách rõ ràng, bình thản và dứt khoát. Nàng sẵn sàng đáp
ứng với nhiều thiện cảm sự ve vản của Thiếu tá Templeton. Đó
là một trò chơi mà nàng đã lịch duyệt. Và mặc dù luôn luôn đối
xử với chàng một cách tình tứ, nàng vẫn biểu lộ cái vẻ trêu chọc
đùa bởn tế nhị để gián tiếp cho chàng hiểu rằng nàng xem
chàng cũng chẳng khác gì bao nhiêu người đàn ông khác. Nàng
ngầm cho chàng biết rằng, cũng như chàng, nàng không xem là
quan trọng, không hy vọng tiến xa hơn cái cảm tình họ đang
trao đổi với nhau.
Cũng như Ashenden, Thiếu tá Templeton trở vào nghỉ ở
phòng riêng của mình mỗi ngày từ lúc sáu giờ chiều, và ăn cơm
luôn trong đó, nên chàng chỉ gặp cô Bishop vào lúc ban ngày
thôi. Ngoài những lúc đi dạo với nhau, họ ít có cơ hội gặp riêng
nhau. Trong bữa ăn trưa, câu chuyện giữa bốn người (Ivy
Bishop, Templeton, Henry Chester và Ashennden) là những câu
chuyện chung, nhưng điều rõ ràng là Templeton có vẻ khó khăn
khi bắt chuyện với hai người đàn ông. Và theo sự quan sát của
Ashenden thì Templeton không còn tản tỉnh cô Ivy để giết thì
giờ nữa, mà cảm tình của chàng đối với nàng mỗi ngày mỗi đậm
đà, chân thật hơn. Điều đó, không biết nàng có nhận thấy
không, và nó có ý nghĩa như thế nào đối với nàng Khi
Templeton tỏ vẻ đi xa trong tình thân mà hoàn cảnh không cho