— Chẳng có chuyện gì cả. Không hề tranh cãi, không hề nói chuyện.
Đối với họ, tất cả là lỗi của cháu. Hai ngày sau, cháu bị gửi đến trường nội
trú. Lúc đầu là ở Thụy Sĩ, sau đó là ở Mỹ. Họ không bao giờ nhắc lại với
cháu về thời kỳ đó, và theo thời gian, cuối cùng chính cháu cũng quên dần
đi.
Marc nhíu mày.
— Cậu muốn nói là cậu chưa từng liên hệ chuyện của mình với các
nạn nhân của Kieffer?
— Không. Cháu sống ở Chicago, cách xa tất cả những chuyện này.
Cho đến tận sáu tháng trước, thậm chí cháu còn chưa bao giờ nghe nói đến
Kieffer.
— Cú hích đó là gì? Muselier gợi đến việc điều trị tâm lý.
— Đúng thế, cháu muốn ở lại Mỹ và học kịch ở Broadway, nhưng
cháu đã phải trở về Pháp sau khi tốt nghiệp trung học. Vì lý do sức khỏe.
Cháu chưa bao giờ khỏe mạnh thực sự. Lúc nào cháu cũng có xu hướng sợ
mọi thứ, nhưng những cơn khủng hoảng vì lo lắng của cháu cứ nhân mãi
lên. Cháu phải chịu đựng các xung động muốn tự sát, hoang tưởng cuồng
ám và ảo giác. Cháu đang ở ngưỡng cửa của bệnh điên. Người ta đã cho
cháu điều trị sáu tháng ở một bệnh viện tâm thần tại Sarreguemines. Cháu
đã dần dần hồi phục, lúc đầu là nhờ thuốc, sau đó là nhờ một bác sĩ tâm lý.
— Và trong những buổi điều trị, ký ức về vụ bắt cóc thường trở lại…
— Vâng, và mọi chuyện đã trở nên tồi tệ hơn khi cháu biết được rằng
kẻ bắt cóc cháu là Kieffer và gã đã phóng hỏa đốt cả căn nhà chỉ vài giờ sau
đó. Lẽ ra cháu đã có thể cứu được các cô gái đó, chú hiểu không!
— Chuyện đó thì còn phải bàn đã, Marc nhận định.
Boisseau bắt đầu gào lên:
— Cháu đã biết được biển số xe, chết tiệt thật! Nếu bố con cháu đi gặp
cảnh sát, thì có lẽ họ đã lần ra gã trước khi gã thực hiện vụ tàn sát đó.
Marc ôm lấy vai cậu để giúp cậu bình tĩnh lại.
— Bố mẹ cậu mới là người phải chịu trách nhiệm về việc đó. Không
phải cậu.