đều báo cáo hàng tháng cũng như bản tổng kết hàng năm. Trong mọi
phương diện khác, ông đối xử với Salander như đối với một người bình
thường khác, ông không xía vào việc cô lựa chọn cách sống hay bạn bè. Cô
gái nên đeo khoen vào mũi hay xăm lên cổ hay không, ông nghĩ người
quyết định chuyện này không phải là ông hay xã hội. Thái độ khá bướng
bỉnh này ở trước tòa án quận là một trong những lý do khiến cho tại sao hai
người lại hợp với nhau.
Chừng nào Palmgren là người giám hộ thì Salander không cần phải chú
ý nhiều đến thân phận pháp lý của mình chừng nấy.
Salander không giống với bất cứ một người bình thường nào. Kiến thức
về pháp luật của cô thô sơ – đây là một để tài cô không có dịp khám phá
bao giờ - còn lòng tin của cô vào cảnh sát nói chung là hạn hẹp. Với cô,
cảnh sát là đại diện cho một sức mạnh thù địch đã bắt bớ và làm nhục cô
trong nhiều năm. Công chuyện mới nhất của cô có với cảnh sát là vào tháng
Năm năm ngoái khi trên đường đến An ninh Milton, cô đi bộ qua Gotgatan,
thình lình cô thấy mình đứng trước một sĩ quan cảnh sát đeo mặt nạ chống
bạo loạn. Mặc dù cô không hề mảy may khiêu khích, ông ta đã vung gậy
đánh vào vai cô. Phản ứng đầu tiên của cô là phản công dữ tợn, dùng ngay
chai Coca-Cola đang cầm trong tay. Viên sĩ quan vội quay gót chạy, trước
khi cô kịp chửi cho một trận. Mãi sau đó cô mới thấy một đám biểu tình
đang giương biểu ngữ “Đòi lại đường phố” ở cuối con đường.
Vào sở của những tên vũ phu đeo mặt nạ chống bạo động kia để kiện
Nils Bjurman cưỡng hiếp, ngay điều này cũng chả hề có lúc nào thoáng qua
trong đầu cô. Và rồi cô báo cáo gì đây? Bjurman đã sờ vú cô. Một sĩ quan
sẽ liếc vào cô và kết luận ti bé thế kia thì khó có khả năng xảy ra lắm. Và
nếu như có bóp vú thật thì cô phải tự hào rằng thế mà có đứa đã quấy rồi
chứ. Về đoạn mút cu lão – thì như lão đã báo trước đó là lời cô chống lại
lão và theo kinh nghiệm cô, lời của người khác nặng cân hơn lời của cô
nhiều. Vậy chọn đến cảnh sát làm gì.