Blomberg đưa anh đi một vòng quanh căn phòng nho nhỏ của ban ảnh,
cho anh một chiếc ghế và một chiếc bàn gọn nhẹ rồi mở máy tính và máy
scan hình. Chị chỉ cho anh chỗ máy cà phê trong khu căng tin. Họ nhất trí
để Blomkvist tự làm lấy một mình nhưng khi nào anh muốn đi thì anh cần
gọi chị để cho chị có thể đặt hệ thống báo động. Rồi chị chào “Thú vị nha!”
và để anh ở lại.
Ngược trở lại giai đoạn ấy, Courier có hai phóng viên nhiếp ảnh. Người
trực hôm ấy là Kurt Nylund và Blomkvist có quen biết anh ta. Vào năm
1966, Nylund chừng hai mươi tuổi. Rồi anh chuyển đến Stockholm trở
thành một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng vừa làm tự do vừa là nhân viên của
Scanpix Thụy Điển ở Marieberg. Trong những năm 90, Blomkvist đã có
những lần gặp Nylund khi Millennium còn dùng ảnh của Scanpix. Anh nhớ
Nylund là một người xương xẩu góc cạnh, tóc thưa. Hôm diễu hành,
Nylund dùng phim ánh sáng ngày, không nhanh quá, loại nhiều phóng viên
ảnh tin tức thường dùng.
Blomkvist lấy ra các âm bản ảnh chàng Nylund trẻ tuổi chụp, đặt chúng
lên bàn. Anh xem kĩ từng khuôn hình bằng một kính phóng đại. Đọc âm
bản ảnh là một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm mà Blomkvist thì không có.
Để quyết định ảnh có giá trị thông tin hay không anh phải rà quét từng hình
ảnh và xem xét nó trên màn hình máy tính. Việc này phải mất hàng giờ.
Cho nên anh xem lướt trước tất cả các bức ảnh mà anh có thể thấy ra điều
gì lý thú ở đó.
Anh xem dần những bức chụp vụ tai nạn xe cộ mà bộ sưu tập ảnh của
Henrik Vanger không đầy đủ. Người sao ảnh làm sưu tập – có thể là chính
Nylund – đã bỏ ra khoảng ba chục bức hoặc bị lóa hoặc bị coi là kém chất
lượng không đáng đăng báo.
Blomkvist tắt máy tính, cắm máy scan Agfa vào iBook của mình. Anh
bỏ hai giờ để scan chỗ ảnh còn lại.