Trong tuần tiếp theo, Thị trường Chứng khoán Thụy Điển lắc lư rung
chuyển khi cảnh sát chống gian lận chứng khoán bắt đầu điều tra, các công
tố viên được triệu tập và người ta hốt hoảng nhào đi bán chứng khoán. Hai
hôm sau, Bộ Thương mại cho đăng lên tuyên bố về “vụ Wennerstrom”.
Nhưng cơn hoảng loạn không có nghĩa là giới truyền thông nuốt không
phê phán những tuyên bố của Millennium – những điều bị phanh phui ra
đều quá nghiêm trọng để cho người ta có thể dễ dàng mà nhận lấy chúng.
Nhưng không giống với vụ Wennerstrom đầu tiên, lần này Millennium có
thể trình làng một loạt những bằng chứng: các email của chính
Wernnerstrom, bản sao các nội dung trong máy tính của lão, chúng gồm các
giấy tờ thanh toán về các tài sản ngân hàng bí mật ở quần đảo Cayman
cùng ở hơn hai chục nước khác nữa, những thỏa ước bí mật, và những sai
lầm ú ớ mà một tay làm tiền thận trọng hơn sẽ chẳng bao giờ trong đời lại
đem để vào đĩa cứng. Nhanh chóng thấy được rằng nếu các tuyên bố của
Millennium đứng vững ở tòa phúc thẩm – mà ai cũng đồng tình rằng sớm
muộn vụ này cũng đi đến đó – thì đây sẽ là vụ bong bóng bục vỡ lớn nhất
trong thế giới tài chính Thụy Điển kể từ vụ phá sản năm 1932 của Kreuger.
So với vụ Wernerstrom, tất cả các vụ lôi thôi rắc rối của Gotabank và các
trò gian lận của Trustor đều là nhợt nhạt xanh xao hết. Đây là chuyện gian
lận ở một quy mô lớn mà không ai dám suy luận xem bao nhiêu pháp luận
đã bị nó phá vỡ.
Lần đầu tiên trong giới báo chí tài chính Thụy Điển người ta bắt đầu
dùng đến các thuật ngữ “tội ác có tổ chức”, “mafia”, “đế chế găngxtơ”.
Wernnerstrom và đám trai trẻ buôn bán chứng khoán của lão, đám đối tác
của lão, đám luật sư ăn mặc rặt hàng hiệu Armani của hắn hiện ra là một
bầy lưu manh đầu gấu. Khi được hỏi tại sao năm trước bài báo viết về
Wernnerstrom lại thảm bại đến thế, cô lại càng bí ẩn. Cô không nói dối bao
giờ nhưng không phải lúc nào cũng nói hết ra sự thật. Khi không có một
micro ở dưới mũi thì cô xin miễn ghi chép, cô có thể lầm rầm vài ba câu