Blomkvist không ngủ được, anh dậy lúc 4 giờ. Anh vào bếp đọc biên
bản xét xử của tòa án một lần nữa từ đầu đến cuối. Cầm tài liệu này trong
tay, anh có một cảm nhận rằng trong lần gặp gỡ ở Arholma đã có một cái gì
đó gần như định mệnh. Anh không chắc chắn liệu việc Lindberg bảo anh
chi tiết về các trò lừa bịp của Wennerstrom có phải chỉ đơn giản là để mua
vui giữa những lần nâng cốc trong gian buồng kín đáo trên con tàu hay anh
ta thật sự muốn câu chuyện được đưa ra với công luận. Nếu cuộc gặp mặt ở
Arholma là một bố trí thì Lindberg sẽ không bao giờ còn có thể đóng vai
trò của mình tốt được hơn thế nữa. Nhưng họ gặp nhau là tình cờ.
Có thể Lindberg không biết mức độ khinh ghét của Blomkvist đối với
những người như Wennerstrom. Dẫu sao, sau nhiều năm nghiên cứu, anh
cầm chắc trong thâm tâm rằng không có một chủ ngân hàng hay một lãnh
đạo tập đoàn tên tuổi mà lại không phải là một đứa ngu.
Blomkvist chưa nghe đến Lisbeth Salander bao giờ và may mà đã không
biết về bản báo cáo cô giao nộp đầu ngày hôm ấy nhưng nếu anh có nghe
nó thì anh cũng sẽ gật đầu tán thành khi cô nói đến việc anh ghê tởm bọn
cạo giấy, nói rằng đấy không phải là biểu hiện về đầu óc cấp tiến chính trị
tả khuynh của anh. Không phải Mikael không thích chính trị nhưng anh
hoài nghi các thứ “chủ nghĩa” trong chính trị. Anh chỉ đi bầu nghị viện một
lần - năm 1982 - rồi anh ngập ngừng bỏ phiếu cho đảng Xã hội Dân chủ,
trong tưởng tượng của anh, không có gì tồi tệ hơn ba năm với Gosta
Bohman làm Bộ trưởng Tài chính và Thorbjorn (hay có thể là Ola Ullsten)
làm Thủ tướng. Cho nên anh đã bỏ phiếu cho Olof Palme thay vì lại nhận
được vụ ám sát vị Thủ tướng của anh cộng với vụ tai tiếng Bofors và Ebbe
Carlsson.
Việc anh ghê tởm cánh nhà báo tài chính là dựa trên một điều mà theo
cách kiến giải của anh thì nó cũng đã rõ rành rành như đạo lý vậy. Phương
trình này đơn giản. Không nên cho một giám đốc ngân hàng thổi hàng triệu
vào các đầu cơ liều lĩnh để giữ công việc. Nên cho vào tù một giám đốc