ánh mắt liếc xéo của ông khiến tôi hiểu rằng không phải vô cớ mà George-
Harrison giới thiệu chúng tôi với nhau. Sự hào hứng của ông tụt xuống khi
ông nhìn thấy chiếc tủ. Ông bĩu môi ngạc nhiên và đề nghị chúng tôi mang
nó vào kho.
- Bác không muốn cháu để nó sau cửa kính sao? – George-Harrison
hỏi.
Nhưng ông Tremblay trả lời rằng chúng tôi chỉ cần cất nó vào một góc,
hôm sau ông sẽ chỉnh sửa. George-Harrison mời ông đi ăn tối ở nhà hàng
của mẹ Denise và tôi đã có cơ hội khám phá chiếc tủ giả thế kỷ 18 trứ danh
kia. Tôi không phải chuyên gia, nhưng cũng phải thùa nhận là công việc chế
tác đồ giả cổ đã được thực hiện dưới bàn tay bậc thầy, và tôi cảm thấy có đôi
chút tự hào, đúng là một chuyện phi lý.
Pierre Tremblay khuyên tôi ăn món xúp cá đặc sản của vùng đảo
Madeleine và để ăn kèm với món đó, ông chọn vang trắng vùng Les Brome,
một sản phẩm của Québec, ông vừa tự hào giải thích vừa rót đầy cốc cho
chúng tôi.
Sau khi chạm cốc, ông nghiêng người sang phía George-Harrison, lo
lắng khi nói với anh một chuyện hình như có sự hiểu lầm.
- Bác không muốn làm cháu phật ý, – ông nói, – nhưng bác đã đề nghị
cháu làm một cái xe trượt kiểu cổ, không phải một chiếc tủ com mốt.
- Quả đúng thế thật, – George-Harrison trả lời ông, giọng cộc cằn. –
Nhưng cháu cũng đã hỏi bác đến cả ngàn lần là bác có thông tin gì về cha
cháu không, và bởi vì bác không bao giờ biết phải nói gì với cháu, hoặc
không bao giờ muốn nói gì với cháu, cháu đã buộc phải tự mình tiến hành
tìm kiếm, và đã mất không biết bao nhiêu thời gian. Bác biết câu ngạn ngữ
đó rồi đấy, ta không thể vừa xay lúa vừa ẵm em, thế nên ta không thể vừa đi
trên đường lại vừa làm mộc trong xưởng được. Vậy thì mấy chiếc xe trượt
của bác sẽ phải chờ thôi. Bác nên nghĩ là bác vẫn còn may mắn đấy, cháu
đóng cái tủ đó trước đây ít lâu, và cháu đã dành cả chiều nay để hoàn thiện
nó, vì muốn dù sao cũng có thứ gì đó mà giao cho bác.