- Vậy thì, chúng ta đi thôi, – ông Clark thở dài.
Chúng tôi đi vào một chiếc thang máy mà ta chỉ còn nhìn thấy trong
những bộ phim đen trắng. Khoang thang máy làm bằng gỗ dát, cùng với lưới
sắt và một chiếc tay quay bằng gỗ khiến George-Harrison vô cùng ấn tượng,
và trong lúc chúng tôi đi xuống tầng hầm với tốc độ sên bò, tôi đoán rằng
anh đang suy nghĩ về cách thức thực hiện một bản sao giống hệt chiếc thang
máy này.
Phòng chứa két sắt rộng mênh mông. Ông Clark đề nghị chúng tôi chờ
trong một phòng đợi. Ông để chúng tôi ở lại cùng với bà thư ký, bà mỉm
cười, nụ cười đầu tiên bà dành cho chúng tôi.
Một lát sau, ông quay trở lại, trên tay mang một chiếc hộp các tông có
hình vẽ, được bảo quản trong một lớp giấy bọc.
Ông đặt chiếc hộp lên cái bàn kê ở giữa phòng, và lùi lại.
- Tôi để cô mở hộp, tôi chỉ là người được ký thác thôi.
Chúng tôi lại gần chiếc hộp được bọc kín như thể đó là một thánh tích,
và theo một cách nào đó thì nó đúng là một thánh tích thật.
George-Harrison cởi những sợi dây buộc xung quanh chiếc hộp có vẽ
hình, và tôi nhấc nắp hộp lên.
Thiếu nữ bên cửa sổ hiện ra trước mắt chúng tôi với toàn bộ vẻ lộng lẫy
của nàng. Ánh sáng đậu lại trên mặt nàng thực đến nỗi ta tưởng như ánh
sáng ban ngày đã tỏa vào bên trong bức tranh.
Tôi nhớ đến một cô gái khác, cũng nhìn qua cửa sổ để ngắm cha mình,
người đang hút thuốc cùng một liên lạc viên trẻ tuổi người Mỹ. Tôi sống lại
cuộc trốn chạy điên cuồng của họ qua những dãy núi, nghĩ đến những người
đã giúp đỡ và cứu sống họ, nghĩ đến một thương gia nghệ thuật tuyệt vời
người Anh, đến những ô cửa sổ của một căn nhà tồi tàn trên phố 37, đến
những ô cửa sổ của một căn hộ trong khu Đông Thượng Manhattan, nghĩ
đến mẹ tôi, người đã được họ nhận làm con nuôi, nghĩ đến người em trai