Hãy tin vào sự chân thành trong lời nói của tôi; tôi chúc cậu những
điều tốt đẹp nhất, và gửi đến cậu những suy nghĩ tốt đẹp nhất.
Tôi đã vò nhàu tờ giấy trong lòng bàn tay và vứt nó vào một góc thật xa
trong xưởng. Ai có thể viết cho tôi bức thư này? Nhằm mục đích gì? Ai biết
được tình trạng sức khỏe của mẹ tôi? Từng ấy câu hỏi lặp đi lặp lại trong
đầu tôi mà không thể tìm ra câu trả lời. Tôi không tài nào tập trung nổi nữa.
Khi điều khiển cưa, đục và bào, mất tập trung sẽ gây ra những hậu quả đáng
gờm. Tôi liền đặt mớ dụng cụ xuống, mặc áo khoác rồi nhảy lên chiếc xe
bán tải.
Sau hai giờ đi đường, tôi đến trước cổng nhà dưỡng lão nơi mẹ tôi sống
từ hai năm nay. Đó là một tòa nhà thanh lịch nằm trên một quả đồi thấp ở
giữa một công viên rộng. Một cây thường xuân leo dọc mặt tiền, những
chiếc lá to bản khiến mặt tiền đầy sức sống mỗi khi gió thổi, cứ như thể nó
đang run rẩy.
Nhân viên ở đây rất niềm nở. Những người sống ở đây đều phải chịu
đựng những căn bệnh giống nhau, nhưng mỗi người lại thể hiện theo một
cách khác nhau, ông Gauthier, người ở phòng cạnh phòng mẹ tôi, suốt năm
năm nay chỉ đọc trang 201 của một cuốn sách mà ông không bao giờ rời.
Ngày nào ông cũng cười khi đọc cùng một đoạn đó, lần nào ông cũng vừa
đọc từ đầu trang vừa thốt lên: “Thật tuyệt vời, buồn cười quá đi mất”. Bà
Lapique bày một thế bài mà bà không bao giờ thắng được, bà xếp các quân
bài trước mặt rồi ngắm nghía. Thỉnh thoảng bà lại đưa một ngón tay run rẩy
lướt qua một quân bài, thì thầm những lời gì đó không rõ, mỉm cười, rồi đổi
ý không lật nó lên. Rồi bà lại đưa ngón tay vuốt một quân bài khác, lại thì
thầm những lời gì đó không rõ, mỉm cười, và đổi ý không lật nó lên. Tổng
cộng có sáu mươi bảy khách trọ sống trong những căn phòng của nhà dưỡng
lão này.
Đó là một trận chiến của những bóng ma đội lốt người, những sinh vật
mà cuộc sống đã rời bỏ nhưng họ lại không nhận ra.