lên vì những xẻng đất tới tấp rơi mãi xuống người mẹ tôi, - cái màu sơn đỏ
chói mất dần, huyệt cứ đầy dần.
Rồi thì, một nấm đất cao! Mấy nén hương tỏa vài tia khói trắng.
Ông Bồng rắc trên mộ những hạt vừng. Ông cắt nghĩa rằng: làm thế, bảy
ngày bảy đêm hạt vừng mọc thành cây, đứa bé trong bụng mẹ mới thoát ra
đi đầu thai ngay cửa khác. Nếu không, thai còn vướng trong bụng cho đến
vài năm thịt người mẹ nát lũa ra, nó mới được thoát đi. Tuần lễ sau viếng
mộ, tôi thấy hạt vừng đã lên cây. Tôi tin rằng vừa đêm qua đã có một vong
hồn ở dưới ấy bay lên, và hiện lúc này đã làm người, đang nằm trong một
cái nôi ấm áp.
Ông Bồng, thằng Bống theo tiễn thày tôi và tôi ra bến tàu một buổi
chiều. Tôi bỏ học, thày tôi thôi việc, trở về Hà Nội để xa lánh cái nơi đồng
chua nước mặn đã cướp đi mất của chúng tôi một người thân yêu. Dị cũng
theo ra, chúng tôi đã thành thực khóc hết cả nước mắt của đôi bạn nhỏ.
Tàu rời bến, tiếng còi vang trên sóng nước. Ông Bồng chắp tay hứa với
thày tôi sẽ luôn luôn đắp điếm mộ phần mẹ tôi. Tôi với trông theo Dị và
trông theo cái thuyền mai mực còn nổi bồng bềnh giữa những hòn đá xám
để buồn tiếc cái vui sáng của ngày thơ, mà từ lúc này có lẽ tôi không còn có
nữa.
❉❉❉
Thực vậy, mỗi ngày được sống, tôi càng gặp bao nhiêu thất vọng, nếm
bao nhiêu cay đắng. Bây giờ gặp Dị, chắc chúng tôi phải lạ nhau. Cái cậu
bé con nhà giàu ấy sướng từ thuở lọt lòng, ngày nay đã làm gì rồi đây? -
Làm quan, làm ông phán, hay là... Nhưng quyết là không làm cái nghề này
như tôi.
Bởi ngày xưa, những lúc chúng tôi ngồi trên núi coi dê, Dị chỉ thích nói
chuyện khai mỏ, làm nhà, đóng tàu thủy chạy ganh với tàu “Thông Vôi”,
“Phi hổ”, - còn tôi, tôi chỉ mê đọc “Tùy Đường”, “Tam quốc”, và học thuộc
lòng thơ ngụ ngôn, - tôi thuộc nhất bài thơ cô ả đi buôn sữa. Tôi thường
đọc bài ấy giễu anh. Đến bây giờ, tôi nhận ra rằng ngày nhỏ tôi đã tự giễu
tôi, tôi đã tiên tri cuộc đời tôi mà tôi không biết. Tôi đã âm thầm ôm bao