Xuống một ga nhỏ, thày tôi một mình với cái va li đựng mớ xương khô,
đi giữa những cánh đồng không, giữa những bãi tha ma mù mịt tối.
Về tới đầu làng, bởi kiêng không nên đem cốt vào nhà, thày tôi giấu
chiếc va li trong một bụi tre gai, bẻ cành lá phủ lên trên.
Một ông thày địa lý đã được mời về đợi trước và những người anh em họ
tôi, được tin thày tôi tới nhà rồi liền thắp đuốc, dong đèn, vác thuổng cuốc
kéo ra nghĩa địa. Tôi cũng được người ta đánh thức dậy, thấy thày tôi thì
mừng rỡ quá, rồi tôi đi theo bọn người kia đi. Gió đêm thổi lộng lên rét
lắm. Trời tối đen, giơ bàn tay không trông rõ. Mới có canh hai. Phải làm
ngay, vì ông thày địa lý bảo nếu để quá giờ thì hỏng hết. Ông chú họ tôi lấy
lá chiếu căng trên đầu huyệt che hướng gió. Mọi người im lặng vì gió rét
bạt hơi, và có lẽ cũng vì bị bao bọc trong cái khí âm ghê rợn nên không ai
muốn nói.
Chị họ tôi vừa gánh ra một nồi nước trầm hương. Tôi trải tấm vóc hồng
vào trong lòng chiếc tiểu sành. Trong khi ông thày ngắm lại huyệt xem đào
có đúng theo những đường dây ông căng không thì các anh họ tôi mở va li
ra, nhặt từng mẩu xương nhúng vào chậu nước trầm cọ rửa. Trước tôi còn
sợ, sau nhìn mãi thấy dạn đi. Tôi tranh phần rửa cái đầu lâu. Cái đầu lâu
bây giờ ở trên tay tôi, dập nát, nên tôi nhè nhẹ tay kẻo vỡ! Cái đầu lâu ngày
xưa kia, có mớ tóc dài óng chuốt như tơ, có đôi mày liễu, cặp mắt bồ câu,
hai lúm đồng tiền, hai hàm răng hạt na đen nhánh - hàm răng đen của người
đàn bà Huế. Tôi gỡ những sợi rễ thông bám vào trong đôi hố mắt, trên cái
xương hàm, rồi hai tay bưng đặt vào trong tiểu sành. Đã đến giờ, ông thày
bảo mọi người hạ tiểu.
Rồi thì lại một nấm đất cao! Lại mấy nén hương tỏa lên vài tia khói
trắng.
Sự xê dịch của mẹ tôi trong cõi chết thế là xong. Cả kiếp tài hoa của
người thiếu nữ sông Hương chỉ còn gửi lại một nắm xương khô ở quê
chồng nơi xứ Bắc.
(Đăng Tiểu thuyết thứ Bảy, số 300-301/1940)