Những buổi chiều, tiếng học của tôi làm vui động một chút cái không khí
quá yên tĩnh của xóm làng.
Tôi được mọi người để ý đến. Tôi thấy mình đang là một đứa trẻ lưu
đãng, gần như vô thừa nhận ở các thị thành, bây giờ trở nên quan trọng
giữa đám trẻ chăn trâu cắt cỏ, và đám người còn bỡ ngỡ với cái thứ chữ
Tây ngộ nghĩnh.
Người ta muốn có một tờ yết thị dán cổng làng, chép một cuốn sổ hương
dịch, cải lương, cũng gọi tôi. Tôi nằm giữa đình làng, trên cái chiếu cạp
điều của ông tiên chỉ mà viết những thứ đó. Người ta xúm quanh tôi, khen
chữ tôi tốt quá, như tôi vẫn kính phục những ông đồ viết câu đối ở hè phố
hàng Bồ, Hà Nội những ngày gần Tết vậy.
Thấy người anh họ tôi bảo bao giờ tôi đỗ được mảnh bằng “sép-phi-ca”,
tất làng sẽ nhường cho tôi cái chân thư ký làng. Tôi cũng hy vọng và lấy
làm sung sướng mỗi khi nghĩ cái ông thư ký làng trẻ tuổi ấy là mình đây sẽ
có một góc chiếu ở đình, có quyền ngồi đánh trống chầu ở ngoài đình, và
có quyền ăn nói, bàn cãi với mọi người, từ ông Tiên chỉ trỏ xuống. Thế mà
hồi đó cái ông ký danh giá ấy còn đang đánh khăng đánh đáo, còn đang
trần truồng tắm ở ao, sông.
Anh Lũy, anh Quỳnh, hai người anh họ có vai vế trong dân, yêu tôi lắm,
và khuyên tôi thế này: “Chú ạ, phải tập cho đứng đắn, mai kia còn ra làm
việc dân làng, vua quan chứ lị!”.
Tôi nghe lời hai anh tôi. Từ hôm ấy, tôi không chơi đùa với trẻ con. Tôi
đi tắm sông cũng mặc quần. Đi ra đình hay đến đám khao, đám tang nào,
tôi chít cái khăn lượt dầy mấy mươi vòng to bằng cái rế của anh tôi thải
cho; tôi mặc áo dài, đi bít tất, tôi tập ăn trầu, uống rượu, hút thuốc lá, đi
ngồi đều lấy dáng điệu như người lớn, bởi vì tôi sắp làm ông thư ký quan
trọng của dân chứ có đùa đâu.
- Ờ chú Hải này khá lắm, làm đàn anh phải có dáng, làm lính tráng phải
có oai.
Tôi kiêu hãnh vì lời khen của mấy ông anh họ tôi.
❉❉❉