Ngày nay nhớ đến đêm trăng ấy, tôi lại buồn rầu vì cô gái có đôi má lúm
đồng tiền thuở nọ đã theo anh cả tôi về, bây giờ có một đàn con, già nhiều,
đau ốm mù cả hai con mắt.
Chao ơi, xuân sắc người đàn bà!
Tôi thì ba mươi tuổi đầu rồi. Đi đây đi đó đã nhiều, giang sơn thu cả vào
đôi mắt sáng. Duy chỉ có chị dâu họ tôi, người con gái ngày xưa sống trong
một gian nhà lá dưới chân núi Hàm Long đã bao nhiêu năm bỏ cha mẹ đi
theo một người đàn ông, để bị mù lòa không còn biết ngọn núi kia ở
phương nào, ở hướng nào.
Một lần, đứng cạnh chị dâu họ tôi ở thềm nhà, tôi che tay ngang mắt nhìn
vọng ra cái vạch xanh xanh, mờ mờ ở tít chân trời mà lơ đãng nói:
- Chị cả ơi, rặng núi Hàm Long chiều nay không có sương che, trông rõ
quá.
Chị tôi lặng đi một lát rồi khẽ hỏi:
- Thế chú có nhận rõ cái nóc lều gianh ở đấy không hả chú? Nói rồi chị
tôi khóc trên đầu đàn con nhỏ. Than ôi, tôi thật không ngờ người đàn bà
quê mùa ấy lại có thể ngỏ bao nhiêu nỗi niềm đau khổ trong câu hỏi chua
xót ấy.
Tôi không trả lời chị. Tôi khóc ở trong lòng, và oán giận anh tôi, từ khi
chị mù lòa đã hắt hủi chị mà ra ngoài tỉnh ở với một cô gái khác rồi.
Buồn vương mây khói trời xa…
Tiếng chị tôi ru đứa con trứng nước tắt vội theo tiếng khóc nghẹn ngào.
Cái chân trời mây khói ấy, tôi thấy lạnh lẽo ở trong tâm hồn mãi mãi,
mỗi khi ngồi lặng một mình nghĩ đến người chị mù lòa dờ dẫm ra đứng
ngoài thềm để trông vời về nẻo cố hương…
(Đăng Tiểu thuyết thứ Bảy, số 387/1941)