nhiêu mộng, nuôi bao nhiêu chí hướng, để rồi thì không làm gì khác hơn
cái nghề bán hồn, bán óc này năm sáu năm nay. “Như thế chẳng đủ lắm rồi
ư!”.
Tôi trích câu này trong bức thư của một người bạn ở Rạch Giá viết cho
tôi khi được tin tôi giã nghề viết để đi làm nghề buôn. Người bạn xa của tôi
ơi, vậy ra như thế cũng đủ lắm rồi à? Nhưng mà ở cái đất nước mình, bạn
chẳng thấy ư, biết bao nhiêu nghệ sĩ vẫn nằm co đấy...
...
Tôi say lời, lạc bút mất rồi. Đáng lẽ tôi nói đến việc bốc mộ mẹ tôi từ
nãy.
Thầy tôi, chừng mười năm sau, lại xuống Quảng Yên xin giấy phép ông
Sứ để mang xương mẹ tôi về quê hương. Đêm nằm nhà trọ, thày tôi đã
chiêm bao thấy mẹ tôi đứng đầu giường, tóc xõa ra, mình mặc cái áo mà
thày tôi đã mặc cho lúc chết. Mẹ tôi khóc nấc lên mấy tiếng rồi biến đi
ngay. Ấy là lần đầu, thày tôi thấy mộng. Vốn không mê tín mà lúc kể
chuyện tôi nghe, thầy tôi cũng phải nhận rằng khi đó lòng rất tỉnh, mới nằm
chưa ngủ, rõ ràng thấy cái bóng đứng trên đầu, rõ ràng nghe tiếng khóc.
Chiều hôm sau, thày tôi xách chiếc va li, tôi nhớ là một chiếc va li bằng
mây đan, xuống một chiếc tàu thủy sang Hải Phòng. Hôm ấy sông sóng
nhỏ, tàu chạy được nhanh. Nhưng bỗng nhiên một mạn tàu cứ dần dần
nghiêng lệch, có mấy người kêu lên. Tức thì mại bản đi xem máy móc, rồi
đi lục lọi khám xét các đồ hành lý.
Thày tôi lo lắm. Nếu họ mở đến chiếc va li, lẽ tất nhiên họ vứt xuống
nước liền, và họ còn làm lôi thôi nữa. Ấy là do cái dị đoan của các tàu bè
trên sông họ cho rằng hễ tàu nào mang cốt người thì bị đắm. Thày tôi lo
quá, họ vẫn lục soát kỹ càng, sau không biết làm sao thày tôi phải khấn đến
vong hồn mẹ tôi. Chẳng rõ vong hồn mẹ tôi có xui khiến gì chăng mà bọn
mại bản sắp đến chỗ thày tôi bỗng không khám nữa, vì tàu đã thôi nghiêng
và đã gần đến Cảng. Thế là được thoát. Gặp xe lửa, thày tôi đáp về quê
ngay.