tay đười ươi già nua ấy rải rắc vào thiên hạ.
Tôi đã qua thời thơ ấu và niên thiếu và cũng đã qua rồi những buổi sáng
buổi chiều tựa cửa phòng quán trọ, hồi hộp mong chờ những lá thư tình,
thư bạn ở gần ở xa, do người sứ giả kia đưa đến tận tay tôi.
Bây giờ tuổi đã xế chiều, ấy thế mà tôi vẫn còn thấy ông lão đưa thư của
cái “Hà Nội xưa cũ” ấy một chiều kia, lang thang trong “Hà Nội mới” chói
lòe đèn nê ông, nhộn nhịp người năm châu bốn biển và hằn sâu vết xe
chinh chiến...
Thời thế đã đổi thay nhiều. Cho nên cái xe nhà đen cao ngất ngưởng của
người sứ giả kia, theo định luật phế hưng, đã bị tiêu diệt tự bao giờ. Ông ta
vẫn mang nghiệp cũ, nhưng mà cái hòm da trong đó đã đựng bao nhiêu
nước mắt, bao nhiêu tiếng cười của con người, giờ đây cái hòm da lịch sử
đó tôi không còn được thấy trên cái lưng gù gập kia nữa.
Rồi trong những ngày tiếp theo, ông già khốn khổ đã còng lưng đạp
chiếc xe đạp gỉ nát, bánh cao su đặc, xích rão kêu ken két như là xương xẩu
ông trên các nẻo đường rải nhựa.
Ông già cô độc ấy, gần đây, đã biến đi đâu mất hút. Tôi thương tôi nhớ
hình bóng Hà Nội cũ bao nhiêu, lại càng thương nhớ bấy nhiêu con người
khổ não câm nín ấy. Đã có lúc, tôi chợt nghĩ rằng con người ấy đã âm thầm
len lỏi vào muôn vàn định mệnh của thế gian, chia sẻ buồn, vui cho nhân
thế...
Ngày nay, tôi không còn trông thấy ông lão đưa thư đó. Hà Nội đã thay
hình thoát xác, ai còn lưu giữ cái lão lưng còng mắt toét, lom khom như
con khỉ già vô dụng ấy làm chi nữa cho thêm chật chội phố phường thanh
lịch.
(Đăng Tiểu thuyết thứ Bảy, 1951)