Ở Bắc Hà, tôi vừa lên bảy tuổi thì mẹ tôi từ giã cõi trần. Tôi nhớ hình
như mẹ tôi chết trong khi lâm sản, chết một cách rất nhanh chóng, thảm
thương. Tôi nói là “hình như” vì tôi không muốn hỏi cha tôi về những câu
chuyện cũ. Thuở còn thơ ấu, cha tôi quanh năm mắc sang Lào, sang Miên
theo đuổi về doanh nghiệp, phải gửi tôi ở các quán trọ, hàng cơm. Thuở lớn
lên, tôi ham việc học hành, không mấy khi ngồi đối diện cha tôi. Và tuy cha
tôi đã tổ chức một gia đình, song than ôi, trong gia đình ấy, tôi thấy tôi là
người sống gửi, vì dì ghẻ tôi đối với tôi quá thờ ơ, lãnh đạm, mà cha tôi
cũng chẳng quan tâm, săn sóc gì tôi.
Tuy mẹ tôi chết rồi mà ở trong Kinh ông ngoại tôi vẫn thường gửi thư ra
Bắc, và cha tôi cũng năng gửi thư vào vấn an người. Nhưng về sau, cha tôi
thưa gửi, vì vậy sự liên lạc của cha tôi cùng người cũng nhạt dần.
Tới khi khôn lớn, thỉnh thoảng tôi có viết thư hỏi thăm ông tôi, nhưng tôi
chỉ lén viết không cho cha tôi biết. Tôi dời đất Huế từ ngày thơ nhỏ đến
ngày nay đã ngót hai mươi năm. Hai mươi năm để hình ảnh nơi quê hương
yêu quý, nơi chôn rau cắt rốn của mình chết trong ký ức, bây giờ tôi mới có
dịp, lần thứ nhất, trở lại kinh đô Huế, trở lại tìm người đã sinh ra người mẹ
hiền bạc mệnh của tôi.
Huế! Ta đã khóc những tiếng khóc đầu tiên ở cái đất vương giả này đây!
Huế! Ta đã được người mẹ trẻ của ta trong những buổi mai gió sông
Hương thổi tạt vào khu vườn hoa rộng rãi này dắt ta đi chập chững từng
bước một, những bước đầu tiên của đôi chân đang bụ sữa... Ta đã được mẹ
ta, ẵm ta ngồi dưới gốc cây đại đầy hoa trắng, vui vẻ ca những bài ca êm ái
nhất ở khu vườn ngào ngạt hương thơm mà ta đang đứng bây giờ.
Chiều nay, ông ngoại tôi đi dự tiệc trong dinh cụ Tham Trí. Đứng ngoài
vườn chán, tôi lững thững lên nhà. Tôi vào gian phòng mà ông tôi đã sai bõ
già dọn dẹp, lau chùi bàn ghế sẵn sau khi nhận được điện tín của tôi, và nay
người dành cho tôi chiếm một mình.
Gian phòng rất xinh, tường quét vôi xanh nhạt. Những đồ lối cổ bầy đơn
giản và gọn ghẽ. Tôi thích nhất cái giường, cái giường cổ đường triện thiếp