lại, lần này không nhớ là lần thứ mấy, rồi tẩn mẩn bóc một miếng giấy
mỏng dán phía sau, tôi đọc thấy hai chữ Bạch Vân, nét rất mờ.
Đó là tên người trong ảnh, chắc hẳn rồi. Cái tên ấy bắt đầu in sâu vào trí
não tôi, và khiến tôi thầm nhắc nhủ đến luôn.
Một buổi chiều nắng tắt đã lâu, tôi theo ông tôi ra vườn sửa cây cảnh.
Như mọi lần, chúng tôi lại ngồi trên tấm ghế đá bên hòn non bộ. Tôi
ngoảnh về phía đông nam, ngắm một dải mây trắng trôi lững thững trên
đỉnh núi Ngự Bình, và tôi nói với ông tôi như một đứa trẻ hiền lành, ngoan
ngoãn:
- Ông ơi, mây trắng bay trên núi Ngự Bình đẹp quá!
- Ừ, sao cháu?
- Bẩm ông, ở Hà Nội, cháu có một người bạn gái nhờ cháu đặt cho một
cái biệt hiệu, giá lấy cảnh kia mà nghĩ ra một cái tên thì có lẽ cũng hay
hay... Tỷ dụ như Bạch Vân chẳng hạn... có được không ông?
- Sao không được... À, xưa kia...
Nhưng ông tôi ngừng ngay lại, đôi mắt lờ đờ tựa hồ vừa thoáng qua một
cái bóng dĩ vãng thảm sầu. Người đặt bàn tay run rẩy lên vai tôi, nhìn chằm
chặp vào mắt tôi, ngắm nghía tôi một cách lạ lùng, tỉ mỉ như ông thầy coi
tướng số. Rồi khi không, tôi nhận thấy mấy giọt lệ bám long lanh trong cặp
kính, người bảo tôi:
- Cháu ôi, khi xưa..., cũng vào một buổi chiều, nhân buồn lòng về triều
chính, ông ngồi ở cái ghế này uống rượu giải sầu, chợt thấy một đám mây
trắng bay trên núi, và chính giữa lúc ấy thì ở trong phòng bà ngoại cháu
vừa sinh hạ ra mẹ cháu, nên ông mượn cảnh nọ mà đặt tên cho mẹ cháu là
Bạch Vân. Bây giờ, mẹ cháu chết rồi, mà đám mây trắng kia lại kéo qua
đỉnh núi Ngự Bình để cháu vô tình nhắc đến khiến ông đau đớn biết bao
nhiêu!
Cả tâm hồn tôi tê tái, trái tim tôi như tan vỡ!
Thế ra bức ảnh người thiếu nữ đẹp như nàng công chúa ấy lại chính là
mẹ tôi?