Tôi, thằng con khốn nạn này, đã thầm yêu mẹ, đã bày ra trong tưởng
tượng biết bao ngờ vực, đã ghen ngấm ngầm với người ông ngoại từ ngót
một tháng nay?
Thực là một huyễn mộng bất ngờ tan ra như bọt nước. Một tiếng sét, một
làn chớp xé mây mù để cho tôi thoáng nhìn thấy mảnh trời trong xanh.
Hỡi người mẹ hiền bạc mệnh của tôi, người đã bỏ lầu hoa chốn Đô thành
để đi chôn cả nhan sắc trong gian truân đau khổ với chồng, với con, người
đã chôn cả tấm hình hài ngàn vàng trong kiếp giang hồ, chết âm thầm ở nơi
đất lạ, quê người!
Tôi ngả đầu vào vai ông tôi mà khóc tựa như đứa trẻ thơ. Rồi ông tôi khẽ
nói bên tai tôi, giọng hiền từ như một ông Tiên, ông Bụt ở trên trời xuống
dỗ dành một kẻ đau thương, mà tôi thường được nghe trong những truyện
cổ tích.
- Cháu ạ, khi xưa có lẽ vì mối lương duyên trời định mà ông gả con gái
cho cha cháu. Khi ấy cha cháu ở ngoài Bắc đổi vào đây làm “xếp” ga. Ông
thương cha cháu về đức tốt, nết hiền, con gái ông cũng ưng cha cháu vì nói
năng hoạt bát, tài hoa. Thấy hai trẻ yêu nhau, ông cho phép cha cháu ra vào
dinh tự nhiên. Rồi ít lâu, ông cho cha cháu vào hẳn trong dinh gửi rể, thiệt
tình ông quý như con đẻ dứt lòng.
Được vài năm, nhà nước đổi cha cháu ra làm ngoài Bắc, mẹ cháu phải
dời ông để theo chồng. Tin mẹ cháu bỏ mệnh nơi đất Bắc chẳng mấy chốc
đến tai ông. Bà ngoại cháu thụ bệnh và chết cũng vì tin thê thảm đó.
Căn phòng kia từ khi mẹ cháu chết đi, ông truyền khóa kín và đến mãi
bây giờ ông mới cho mở để dành chỗ cháu nằm; khi trước chính đấy là chỗ
cha mẹ cháu động phòng hợp cẩn. Cái giường cháu đang nằm, cái gương
cháu đang soi đều là những đồ vật có in bóng của cha mẹ cháu tự ngày xưa.
Ông tôi trầm ngâm một lúc rồi tiếp lời:
- À, trong một ngăn kéo tủ góc phòng, ông còn cất tấm ảnh mẹ cháu
chụp một ngày trước hôm làm lễ cưới. Tấm ảnh ấy ông chắc đã mờ rồi, vì
đã mười mấy năm nay ông không muốn mở cửa gian phòng đó để nhìn