Tiếng hát và tiếng võng đưa trong đêm tối buồn đến não lòng, vậy mà anh
vẫn ngồi đọc sách điềm nhiên.
Trinh bực tức muốn đứng dậy chạy vào mà trách con người vô tình ấy nỡ
yêu sách hơn yêu mối tình cô. Vừa lúc ấy, Minh nghe thấy còi xe lửa đằng
xa, anh đẩy ghế đứng lên, như cái máy, anh vơ vội lá cờ vải đỏ cuốn tròn và
cây đèn dầu lồng kính đỏ, rảo bước ra ngoài sân ga vắng ngắt không có một
hành khách đợi tàu. Trinh cũng chạy ra, nhưng e thẹn, cô nấp sau một gốc
cây.
Minh lững thững đi bên đường sắt, tay khẽ lắc cây đèn kính đỏ, vừa nhìn
đoàn xe lửa tít đằng xa đang phun khói trắng lên khoảng không mờ ánh
sáng trăng, vừa huýt sáo miệng, cất tiếng hát khe khẽ.
Minh làm xong cái công việc của một thày xếp ga quanh năm suốt tháng
là phất lá cờ vải đỏ, thổi mấy tiếng còi ra hiệu cho đoàn xe lửa chạy, rồi lại
vào căn phòng giấy nhỏ hẹp để nằm lăn trên chiếc giường vừa một người
dùng, nghĩ vẩn vơ những chuyện đâu đâu, hoặc ngồi lục lại những cuốn
nhật ký hỏa xa cũ nát của các bạn đồng nghiệp, hoặc ngồi dán mắt vào cái
máy vô tuyến điện, chờ tiếng chuông reo rầm rĩ một hồi rồi, như người máy
anh vơ lấy mảnh giấy chép vội vàng những dòng chữ trên sợi băng giấy
trắng, xanh từ trong cái máy đồng xinh xắn nhả ra.
Ga nhỏ, lại ở một vùng quê hẻo lánh, nên nhiều khi ba bốn ngày liền
Minh không thấy ai mua vé, mà các chuyến tàu đỗ ở ga cũng thường không
có một hành khách nào xuống cả. Bởi vậy, bọn phu xe không kiếm được
ăn, dần dần giải nghệ, và những hàng quán cũng dọn đi nơi khác, cạnh ga
chỉ còn một nhà dây thép tẻ buồn và mấy gian nhà lá của người “phu kíp”
già nua.
Trinh ở mấy gian nhà lá ấy, và Trinh là con gái lão phu-kíp ấy.
Không có vợ con như các thày sếp ga khác nên Minh bảo lão Năm - tên
bố Trinh - thổi cơm tháng anh ăn. Trinh gửi người ra tỉnh mua riêng cho
anh đũa son, bát sứ, mâm đồng để dọn cơm hầu anh cho lịch sự. Cô còn
thường bảo người nhà lên nhà ga hỏi anh xem có quần áo cần thay để cô