mê sảng. Lê gục mặt vào cánh tay mà khóc. Bên ngoài, mưa tầm tã, tiếng
gió và tiếng lá đổ rì rào vào ruột rừng cô tịch.
Lê ngẩng mặt lên, đau đớn nhìn người kép ngồi bó gối, ngủ gật cạnh cây
đàn đáy. Người kép đó đã trung thành đi theo nàng nay đó mai đây. Xưa
kia, đôi bạn giang hồ ấy cũng với cây đàn túi phách, lang thang đến các
đình làng xin hát, và khi ngày xuân đã hết rồi, các cuộc tế lễ, hội hè đã hết
rồi, họ lại chia tay, mỗi người đi mỗi ngả.
Sau, Lê lấy chồng. Nhưng được vài năm thì chồng Lê chết. Có vốn, Lê
mở nhà hát ở một tỉnh nhỏ. Một buổi tối, người bạn giang hồ cũ tìm được
đến nhà Lê với cây đàn ngày xưa. Kép Giang đã già đi nhiều lắm, mà ngón
đàn thì cũng già đi theo người.
Giọng hát hay của Lê, cung đàn tuyệt kỹ của kép Giang, và nụ cười xinh
xinh của Huệ, cái cô đào “chanh cốm” lúc nào cũng khóc, không bao ngày
đã nức tiếng trong các tỉnh xa gần, nhờ vậy, không tối nào nhà vắng khách.
Nhưng chẳng may, một ông sứ mới bổ đến ra lệnh đóng cửa dẫy nhà cô
đầu trong tỉnh.
Thế là người ta lại xếp phách, vặn chùng dây tơ để mà chết đói. Chị em
Lê và kép Giang lại dắt nhau lên đường với túi phách, cây đờn, sống đời
những kẻ sông hồ. Nhưng họ chỉ đi giang hồ trong những ngày xuân, thu,
những ngày các thôn quê có hội hè đình đám; còn những ngày sẽ tới, họ
chưa nghĩ đến vì họ chưa muốn lìa nhau, chưa muốn bỏ nghề.
Huệ trở mình rên khẽ. Lê cúi xuống áp vào má Huệ, nước mắt dòng dòng
rỏ xuống. Huệ mở mắt giọng phều phào:
- Chị ơi, ở đây thì lấy gì mà trả tiền cơm?
- Em đừng lo, cứ nằm đây vài ngày cho khỏi. Chị đã sẵn cả rồi.
Lê nói dối cho Huệ yên lòng, chứ thực ra Lê có tiền đâu.
Huệ lại mở mắt ra:
- Chị để em nằm đây cũng được. Chị và bác Giang cứ vào huyện hát lấy
tiền trả trọ, chứ ở cả đây để chết đói à?
Lê khóc nấc lên: