Ông nhìn lên qua chiếc thìa với một niềm vui khó tả trên khuôn mặt.
“Paolo,” ông trả lời, rồi hỏi vì sao tôi hiểu được tiếng địa phương của ông.
Tôi không biết bằng cách nào hay tại sao, tôi nói, tôi hiểu được, thế thôi.
Tôi nói với ông rằng tôi thường nghe người nước ngoài nói chuyện và sau
khi họ đi khỏi tôi sẽ lưu giữ những cuộc nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ
vào tâm trí trước khi đi ngủ. Ông nghĩ điều đó thật tuyệt vời. Khi tôi hỏi
ông từ đâu tới, ông trả lời mình sống phần lớn cuộc đời tại Firenze nhưng
ông sinh ra tại miền Nam nổi tiếng với giọng địa phương đặc sệt. Giọng của
ông, ông giải thích, là sự kết hợp khủng khiếp của cả hai nơi đó. Ông cười
khi nói thế, và tiếng cười làm xơ Christina bừng tỉnh khỏi sự ngạc nhiên tột
độ. Bà bắt đầu ướm câu hỏi cho tôi, vừa để kiểm tra kỹ năng dịch của tôi
vừa nhằm moi thông tin. Qua tôi, câu chuyện của ông lão được kể lại.
Paolo đã sống trọn đời mình với người vợ mà ông rất mực yêu quý. Bà
mới mất và ông biết mình cũng sớm đi theo vợ thôi. Đây là lý do cho cuộc
hành trình của ông, vì ông chưa bao giờ biết đến những đất nước khác ngoài
quê hương mình và ông không muốn chết mà không có bất cứ ý niệm gì về
thế giới cả. Ông không sợ cái chết, bởi ông là một con chiên ngoan đạo và
đang trông đợi phần thưởng cuối cùng của mình. Ông hỏi xem liệu mình có
thể nghỉ một đêm tại tu viện trước khi tiếp tục chuyến đi không. Xơ
Christina chấp thuận, vì bà có đủ quyền hạn để ra quyết định nhân danh tu
viện trưởng, và Paolo rất cảm kích trước sự tốt bụng của bà. Lần đầu tiên
trong đời, tôi cảm thấy mình quan trọng.
Paolo lấy một quyển sách từ trong túi ra giơ về phía tôi. Rõ ràng ông
muốn trao nó cho tôi. “Tôi chẳng mấy dịp cần đến thứ này nữa đâu.”
Xơ Christina bước tới trước để từ chối thay tôi. “Nói với ông ấy rằng ông
quá nghèo nên chúng ta không thể lấy những gì ông có được. Nhưng hãy
cám ơn ông ấy.” Tôi dịch, và Paolo gật đầu tỏ ý đã hiểu. Ông cảm ơn các xơ
lần nữa trước khi đến bên chiếc giường đã được dọn sẵn.