nét chữ rất đẹp, mà bản thân bản dịch cũng tuyệt vời hơn hầu hết, nếu
không nói là tất cả, những phiên bản hiện đại. Nhưng điểm thứ tư mới thật
là đánh đố người ta: những thứ có liên quan đến bản thảo - giấy da, mực,
nét chữ - đều dẫn đến kết luận là nó được viết tại vùng sông Rhine của Đức,
có lẽ sớm nhất là khoảng nửa đầu thế kỷ mười bốn. Nếu điều này là thật -
dù rằng rất khó có thể như thế - thì bản thảo của tôi đã tồn tại trước mọi bản
dịch Địa ngục bằng tiếng Đức từng được biết tới hàng thế kỷ. “Vậy anh
thấy đấy, tôi hẳn là đã nhầm lẫn đâu đó.” Ông ta run lên. “Hẳn là thế! Trừ
phi… trừ phi…”
Ngài chuyên gia Đức yêu cầu được chiếu xạ lên cả giấy da lẫn mực viết.
Khi tôi đồng ý, khuôn mặt ông ta lộ vẻ sung sướng tột đỉnh đến nỗi tôi
tưởng ông ta sắp ngất đến nơi. “Danke, danke schon, ich danke Ihnen
vielmals!”
Khi quá trình kiểm tra đã hoàn tất và các trang giấy được xác định niên
đại là vào năm 1335, trên dưới hai mươi năm, tâm trạng của ông người Đức
còn phấn khích hơn. “Đây là một khám phá vĩ đại hơn tất cả những gì tôi
đã… tôi đã…” Ông ta thậm chí chẳng thể nói hết câu vì ngất ngây sung
sướng; bản dịch ra đời trong khoảng vài chục năm sau bản gốc tiếng Ý. Tôi
quyết định nghiên cứu thêm chút nữa cũng chẳng hại gì, và tôi thậm chí còn
cho ông người Đức manh mối tìm kiếm tiếp: tôi gợi ý là ông ta có lẽ sẽ
muốn tập trung điều tra về phòng viết tại Engelthal. Mồm ông người Đức
lại méo xệch ra, và ông ta tiếp tục quay lại làm việc.
Khi liên lạc lại với tôi vài tuần sau đó, ông ta dường như đã chịu chấp
nhận thực tế là mình đang nghiên cứu một vấn đề không thể hoàn thành
được. Phải, ông ta xác nhận, tác phẩm có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nó đã
được viết tại Engelthal. Và phải, bản thảo có rất nhiều minh chứng cho thấy
nó được thực hiện bởi một người chép sách đặc biệt đã có những đóng góp
rõ ràng vào những năm khoảng từ 1310 cho tới 1325. Thực tế, người chép
sách này luôn là một bí ẩn với những học giả nghiên cứu tôn giáo và những