“Tại sao lại không?”
“Munich là một tổn thương với cả nước,” Gabriel đáp lại, “nhưng đặc
biệt khó khăn đối với những người như mẹ anh, một người Do Thái lai
Đức, từng sống sót thoát khỏi các trại tập trung. Thật sự bà không chịu nổi
khi xem hình trên báo hay xem trên ti vi đám tang của những người tử nạn.
Mẹ tự giam mình trong xưởng vẽ và vẽ tranh.”
“Và khi anh trở về nhà sau điệp vụ cơn Thịnh nộ của Thượng Đế thì
sao?”
“Bà có thể thấy cái chết trong mắt anh.” Ông tạm dừng, rồi nói tiếp,
“Bà đã biết chết là như thế nào rồi.”
“Nhưng anh chưa bao giờ kể lại chuyện đó à?”
“Chưa bao giờ,” Gabriel lắc đầu chầm chậm. “Mẹ chưa bao giờ kể cho
anh nghe chuyện gì đã xảy đến với bà suốt cuộc Đại Thảm sát, và anh cũng
chưa bao giờ kể bà nghe việc mình đã làm trong ba năm ở châu Âu.”
“Anh nghĩ liệu bà có đồng ý với việc anh đã làm hay không?”
“Mẹ đã nghĩ gì không thành vấn đề với anh.”
“Tất nhiên là vậy, Gabriel à. Thật ra anh không tin số mạng đã xui
khiến tất cả chuyện đó. Nếu anh tin, hẳn đã không tới nhà cũ của Keller lúc
ban đêm để nhìn chằm chằm bố anh ta qua cửa sổ.”
Gabriel không nói gì. Chiara bỏ một bó mì fettuccine (sợi dẹt) vào
nước sôi rồi khuấy lên một lần với cái muỗng gỗ.
“Anh ta như thế nào anh?”
“Keller à?”
Nàng gật đầu.
“Cực kỳ tài giỏi, hết sức tàn ác và táng tận lương tâm.”
“Nghe có vẻ như anh ta là người hoàn toàn thích hợp để giao mười
triệu euro tiền chuộc cho bọn bắt cóc Madeline Hart.”
“Chính phủ của Nữ Hoàng vẫn tin là anh ta đã chết. Ngoài ra,” Gabriel
nói thêm, “bọn bắt cóc đặc biệt yêu cầu anh giao số tiền đó.”