Alberto Moravia
Cô gái thành Rome
Dịch giả: Trịnh Xuân Hoàn
Chương Ba
Tôi cho rằng mình đã vĩnh viễn mất Giacomo và thề rằng không bao giờ tôi
nghĩ tới anh ta nữa. Tôi nhận thấy tôi yêu anh, và nhận thấy nếu anh quay
lại, tôi sẽ là người hạnh phúc và sẽ yêu anh mãnh liệt hơn. Nhưng tôi biết
rõ tôi sẽ không bao giờ cho phép anh được quyền làm bẽ mình. Nếu anh
quay lại, tôi sẽ lấy cuộc đời tôi rào chắn vây anh, như bức tường thành kiên
cố và vững chắc bảo vệ tôi cho tới khi chưa vượt qua phạm vi của nó. Tôi
sẽ bảo anh: “Em sẽ mãi mãi là cô gái làm tiền, nếu anh thấy thích em, em
có sao xin anh cứ đón nhận em như vâyh”. Chỗ mạnh của tôi không phải ở
chỗ tôi mạo hiểm nhận mình là người khác, mà là ở chỗ tôi thành thật thú
nhận bản thân mình đúng như trong thực tế. Chỗ mạnh của tôi là sự nghèo
túng của hai mẹ con tôi, cái nghề của tôi, mẹ, ngôi nhà của chúng tôi, áo
xống giản dị của tôi, nguồn gốc xuất thân bình dị của tôi, những nỗi bất
hạnh và trước hết là cái tình cảm buộc tôi phải cam chịu tất cả những điều
đó và cái tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn tôi, như một kho báu vùi chặt trong
lòng đất. Nhưng tôi tin chắc rằng mình chẳng bao giờ gặp lại Giacomo, vì
vậy đã yêu anh theo một cách khác: bình tĩnh, buồn buồn và dịu dàng kiển
người ta yêu người đã khuất và người đó sẽ không bao giờ trở về nữa.
Thời gian này tôi đoạn tuyệt hẳn với Gino. Như tôi đã nói, tôi không phải là
người tán thành những cuộc chia tay đột ngột và tôi thích sao cho tất cả đều
sống một cuộc sống tự nhiên và chết một cách tự nhiên. Mối quan hệ giữa
tôi và Gino là thí dụ tiêu biểu về nguyên tắc này. Mối quan hệ giữa chúng
tôi đã chấm dứt, vì nó đã chết - cả tôi và Gino đều không có lỗi trong
chuyện đó - tự nó đã chấm dứt mà không để lại nỗi tiếc thương và sự dằn
vặt trong lòng tôi.
Cho tới lúc này, tôi vẫn ít gặp Gino, độ hai ba lần một tháng, tuy chẳng còn
kính trọng, nhưng tôi vẫn thích anh ta. Một bận, qua điện thoại, anh ta hẹn
gặp tôi ở cửa hàng sữa, tôi đồng ý.
Cửa hàng sữa nằm ở khu chúng tôi. Gino đợi tôi trong căn phòng không có