Sự việc này đã dứt khoát chinh phục được mẹ tôi. Ngoài rag n còn ép mẹ
tôi uống rượu đã làm bà say không kém gì những lời tâng bốc của anh. Như
mọi người ngà ngà say khác, và tuy ngẫu nhiên có cảm tình với Gino, mẹ
tôi vẫn không biết được nỗi buồn về chuyện anh ta là chồng chưa cưới của
tôi. Gặp lúc thuận tiện, mẹ sẽ cương quyết nói bóng gió là dù sao mẹ vẫn
giữ ý kiến của mình.
Lúc thuận tiện đó lại đúng là khi tôi mào đầu nói về công việc của tôi. Tôi
chẳng còn nhớ tại sao lúc đó tôi lại nói đến ông họa sĩ mới mà tôi làm mẫu
lúc sáng. Lúc đó Gino đã bảo:
- Tôi có thể bị coi là ngốc, là không hợp thời, tùy…song dẫu sao bản thân
không tài nào chịu được khi nghĩ rằng ngày nào Adriana cũng cởi áo xống
trước mặt tất cả các ông họa sĩ ấy.
- Thế thì sao? - Mẹ hỏi giọng lạc hẳn đi, báo trước cơn giông mà Gino
không tài nào hiểu nổi.
- Dạ, thế là khiếm nhã ạ.
Tôi sẽ không nhắc lại nguyên văn toàn bộ lời mẹ tôi nói vì nó xen vào đấy
những lời chửi bới mà mẹ tôi thường tuôn ra mỗi khi uống rượu hoặc nổi
cáu. Song thậm chí không những từ đệm ấy, ngôn từ của mẹ tôi cũng đã
phản ánh quan điểm và tình cảm của mẹ rồi.
- A, khiếm nhã! - Mẹ dồn sức gào to đến nỗi mọi người xung quanh đều
ngừng ăn, quay nhìn về phía chúng tôi - A, khiếm nhã…thế nào là khiếm
nhã? Có lẽ ngày nào cũng nai lưng ra rửa bát đĩa, may vá, chuẩn bị bữa
trưa, là, giặt, lau chùi sàn, rồi sau đó chiều tối đón đức ông chồng bơ phờ
mệt mỏi, lê lết không đi nổi, vừa ăn xong đã nằm lăn ra, nằm quay mặt vào
tường ngủ, thì hẳn là không khiếm nhã? Hy sinh thân mình, không được
nghỉ ngơi giây phút nào, già đi, nhan sắc phai tàn, chết dần chết mòn, đấy
không là khiếm nhã à? Anh có biết tôi sẽ bảo gì anh không? Chúng ta sống
trên đời có một lần thôi còn chết rồi là về chầu Trời…anh có thể bán xới
với cái khiếm nhã của anh được rồi đấy, còn Adriana thì làm đúng khi cởi
quần áo trước mặt ông họa sĩ trả tiền cho nó để làm việc đó…Nó xử sự còn
đúng đắn hơn nữa, giá như…
Liền lúc đó, mẹ tuôn ra một tràng những lời tục tằn với giọng vẫn oang