Alberto Moravia
Cô gái thành Rome
Dịch giả: Trịnh Xuân Hoành
Chương Chín
Ra khỏi bộ, tôi bước vội gần như chạy tới quảng trường ở cạnh đó. Mãi khi
đến quảng trường rồi tôi mới nhận ra rằng mình không biết đi đâu và nương
tựa tại nơi nào. Thoạt đầu tôi định về nhà Gisella, nhưng cô ta ở xa đây, còn
hai chân tôi thì đã mỏi nhừ rồi. Hơn nữa chắc gì cô ta đã chịu vui lòng tiếp
nhận tôi. Còn lại chỗ Gielinda – chủ các căn phòng có trang bị đồ đạc mà
tôi đã bảo mẹ trước khi rời khỏi nhà. Tôi với bà ta là chỗ bạn bè của nhau,
vả lại bà ta ở ngay cạnh đây, nên tôi quyết định tới đó.
Nhà Gielinda rộng, quét vôi màu trắng, mặt trông ra quảng trường gần ga
như mọi ngôi nhà lân cận khác. Một trong những đặc điểm của ngôi nhà đó
là cầu thang suốt ngày đêm chìm trong bóng tối như bưng. Thang máy
chẳng có, cửa sổ cũng không nữa, phải lên thang dưới bóng tối mù mịt, lúc
nào cũng nơm nớp lo sợ người trên gác xuống – do cùng bấu vào thanh vịn
– sẽ va vào mình. Căn nhà nồng nặc cái mùi thâm căn cố đế của nhà bếp,
tựa hồ lâu nay không ai nấu ăn, nhưng mùi hôi này cứ ám vào trong làn
không khí lạnh và ẩm ướt.
Lòng trĩu nặng, tôi lê bước lên cầu thang mà đã bao lần leo lên trong vòng
tay ôm ấp của một tình nhân nào đó đang nóng vội. Thấy Gielinda mở cửa,
tôi liền bảo:
- Tôi cần một phòng… trong đêm nay.
Gielinda là một phụ nữ béo ị, tuổi chưa cao lắm, xem ra bà ta già trước tuổi
chính vì cái dáng người một quá béo của mình. Bà ta bị bệnh thống phong,
má ửng một màu hồng không được khỏe mạnh, cặp mắt xanh lơ kèm nhèm
cứ lờ đờ, còn bộ tóc vàng lơ thơ thì lúc nào cũng rối tung như sơ cây lanh,
tuy vậy mặt bà ta ngời sáng một mối tình cảm hữu ái như mặt nước tù rực
sáng dưới ánh hoàng hôn.
- Có phòng đấy – Bà ta bảo – cô đi một mình thôi à?
- Một mình thôi.