Bản thân anh ta, tất nhiên, do nhu nhược và ích kỷ, chẳng bao giờ dám
quyết định những chuyện như vậy. Vả lại, khoái lạc mà anh ta tận hưởng
trong những buổi gặp gỡ giữa hai chúng tôi còn mãnh liệt hơn cả ý định bỏ
rơi tôi. Nhưng sự can thiệp của cha cố cho phép anh ta sử dụng cái lý do giả
nhân giả nghĩa và khoác áo vô tư ấy.
Một thời gian sau, anh bắt đầu đến gặp tôi không thường xuyên – nghĩa là
hàng ngày – mà chỉ khi nào có điều kiện. Tôi nhận thấy những cuộc dã
ngoại trên xe ôtô ngày một thu ngắn lại và anh càng có vẻ lơ đễnh khi nghe
bàn bạc đến đám cưới. Tuy nhận thấy sự thay đổi, tôi vẫn không hề nghi
ngờ gì cả, tôi coi tất cả những điều ấy là vặt vãnh, chủ yếu anh vẫn đối xử
dịu dàng và tôn trọng tôi như trước đây. Cuối cùng, một hôm anh rầu rầu
tuyên bố với tôi rằng theo yêu cầu của hai cụ đằng nhà, đành phải hoãn
đám cưới của chúng tôi đến mùa thu.
- Em buồn lắm phải không? – Gino hỏi, giọng lúng túng vì thấy tôi không
bộc lộ nỗi buồn của bản thân mà chỉ im lặng và ủ rũ nhìn chăm chăm một
điểm phía trước.
- Không, không – Tôi bừng tỉnh và đáp – Không quan trọng anh ạ... em sẽ
đợi, vả lại thời gian ấy em mới chuẩn bị kịp.
- Em nói không đúng sự thật... Em rất buồn.
Kể cũng lạ khi thấy Gino cứ ép tôi phải thú nhận là tôi buồn trước sự việc
hoãn đám cưới lại.
- Thì em đã bảo với anh là em chẳng thấy buồn phiền mấy mà.
- Thế nghĩa là em không thực sự yêu anh, và chắc hẳn em chẳng đau buồn
nếu thậm chí chúng mình không lấy nhau.
- Đừng nói vậy – Tôi hốt hoảng bảo - Thế thì thật là khủng khiếp... Em
chẳng muốn nghĩ tới điều đó.
Gino cau mày, tôi chẳng rõ vì sao. Chắc Gino thử xem tôi gắn bó với anh
tới mức độ nào và trái với ý muốn của bản thân, anh thấy tôi còn rất gắn bó
với anh.
Thậm chí việc hoãn đám cưới lại cũng không làm tôi nghi ngờ song nó
khẳng định thêm ý kiến trước đây của mẹ và của Gisella. Thoạt đầu, như
đôi lúc thường thấy ở mẹ (kể cũng là một điều hoàn toàn kỳ lạ với một