phá vỡ khi ông ta nói với giọng ngượng ngùng:
- Ông Poirot, mong ông tha lỗi cho tôi vì đã làm ông buồn ngủ vì cái câu
chuyện về cuộc đời tôi.
- Thưa ông Restarick, xin ông đừng nói thế. Ông chỉ kể lại đời mình trong
trường hợp nó giúp tôi hiểu được về con gái ông mà thôi. Ông đã rất băn
khoăn về cô ta. Nhưng, tôi cho rằng ông chưa trình bày lý do thật của nỗi
băn khoăn đó. Ông có muốn tìm được con gái mình không?
- Càng nhanh càng tốt.
- Tốt… và ông muốn rằng tôi làm việc đó phải không? Mong ông đừng
ngần ngại. Sự lễ phép là điều cần thiết cho nhiều trường hợp, nhưng, trong
trường hợp này, nó là thừa. Ông hãy nghe đây, tôi, Hercule Poirot, khuyên
ông hãy trình báo với cảnh sát. Tôi có thể cam đoan với ông rằng họ biết
hành động một cách kín đáo.
- Tôi sẽ không báo với cảnh sát, trừ phi... ờ, trừ phi cần thiết lắm.
- Vậy ông muốn giao việc cho một thám tử?
- Đúng vậy, mặc dù tôi chưa biết mình có thể tin vào người mới gặp lần đầu
được không?
- Và ông đã biết gì về tôi?
- Quả thật... tôi biết là ông đã giữ một chức vụ quan trọng trong Sở Mật vụ
trong thời gian chiến tranh, do ông chú của tôi đã ca ngợi ông. Đó là một
sự kiện xác thực.
Cảm giác hơi châm biếm thóang hiện trên bộ mặt của Poirot đã không bị
nhà kinh doanh để ý tới. Lẽ ra Restarick cần biết không nên tin cậy vào lời
nhận xét của ông chú, ông ta đã có trí nhớ rất ngắn ngủi và cặp mắt đã
yếu... Ông ta đã bị thu hút bởi câu chuyện do nhà thám tử dựng lên! Tuy
rằng nhà thám tử vẫn rất kính nể ông cụ, nhưng điều này càng tăng thêm
niềm tin cổ xưa của ông là không nên tin ngay vào những điều mà người ta
kể nếu chưa kiểm tra lại. Nghi ngờ mọi người, đó là một khẩu hiệu của
Poirot từ lâu, nếu không phải là mãi mãi.
- Xin phép cho tôi được trấn an ông, Poirot nói. Trong sự nghiệp lâu dài
của đời tôi, tôi đã thu được nhiều thắng lợi trong các trận chiến đấu cho nền
Công lý. Trên nhiều phương diện, tôi là một người không ai sánh bằng.