“Ôi”, người kia nói. “Ông có thể sang bên đó ngay bây giờ được
không ạ?”
“Được. Để tôi mặc quần đã. Có chuyện gì thế? Tôi hỏi để biết mình
phải mang theo những gì.”
Người kia ngập ngừng một lát - điều này không có gì lạ đối với ông
bác sĩ bởi ông đã từng trải nghiệm nó và tin rằng mình biết nguồn cơn của
vẻ ngập ngừng ấy: Bản năng tự nhiên không thể tiệt trừ của loài người là
muốn giấu giếm một sự thật nào đó, thậm chí giấu cả bác sĩ hoặc luật sư -
những người sở hữu kỹ năng và kiến thức được họ trả tiền. “Cô ấy bị chảy
máu”, anh ta nói. “Tiền công của ông...”
Nhưng ông bác sĩ không để ý đến điều đó. Ông còn đang mải nghĩ: Ồ.
Phải. Tại sao mình lại không... phổi, tất nhiên rồi. Tại sao mình không nghĩ
cô ta bị bệnh phổi nhỉ? “Đúng rồi”, ông nói. “Anh đợi ở đây nhé? Hay vào
trong này đợi nhỉ? Tôi sẽ xuống ngay.”
“Tôi đợi ở đây được rồi”, người kia nói. Nhưng ông bác sĩ không hề
chú ý nghe câu trả lời ấy mà chạy vội lên thang gác, tiến vào phòng ngủ -
nơi vợ ông đang chống khuỷu tay nhỏm dậy nhìn ông vội vàng xỏ chân vào
ống quần, quan sát cái bóng của ông được tạo ra từ ánh sáng của chiếc đèn
trên cái bàn thấp cạnh giường ngủ hắt lên tường trông thật khôi hài, và cái
bóng của bà trông cũng thật quái dị, giống như Nữ thần tóc rắn, bởi mái tóc
màu xám quấn giấy tạo thành những lọn cứng quèo phía trên khuôn mặt
xám xịt và chiếc váy ngủ cổ cao trông cũng xám xịt nốt, cứ như thể mọi thứ
quần áo bà mặc đều nhuốm cái màu xám xịt của hệ thống đạo đức không
thể thay đổi và bác bỏ của bà, kiểu đạo đức mà ông bác sĩ về sau hiểu ra là
hoàn toàn dựa trên lý trí. “Đúng”, ông nói, “bị chảy máu. Có thể là xuất
huyết. Phổi. Mà tại sao tôi lại không...”.
“Nhiều khả năng anh ta đã chém hoặc bắn cô ta”, bà vợ nói bằng
giọng chua cay và lạnh lùng. “Mặc dù qua ánh mắt mà em thấy trong một
lần nhìn cô ta ở khoảng cách rất gần, em có thể nói rằng cô ta mới chính là
người sẽ chém và bắn ai đó.”
“Vớ vẩn”, ông nói, cúi xuống chỉnh dây đeo quần. “Vớ vẩn.” Bởi vì
giờ đây không phải ông đang nói chuyện với bà. “Đúng. Đồ ngốc. Đưa cô