nghĩ đến cái cảnh hắn né núp, khóc nức nở, thở hổn hển trước khi chạy -
giọng nói, bản cáo trạng, tiếng thét của sự bác bỏ không thể thay đổi của
công cụ vận hành xảo trá từ bản chất cố hữu của tính tham lam, điên rồ và
bất công: Tất cả những gì tôi muốn trên đời này chỉ là đầu hàng; hắn nghĩ
đến câu đó, nhớ lại nó nhưng không phải bằng cơn phẫn nộ sôi sục, thiêu
đốt và bây giờ những gì hắn muốn nói thậm chí ngắn hơn một văn bia:
Không. Tôi đã cố nói với họ. Họ đã bắn tôi.
“Vậy là anh không muốn đến New Orleans. Và chính xác anh không
định đến Carnarvon. Nhưng anh sẽ chọn Carnarvon hơn là New Orleans.”
Người tù lặng thinh. Ông bác sĩ nhìn hắn, đôi tròng mắt được phóng đại
trông giống như đầu của hai cái ốc vít to tướng. “Anh bị bỏ tù vì tội gì?
Đánh người mạnh tay hơn anh nghĩ chăng?”
“Không. Tôi phạm tội ăn cắp trên tàu hỏa.”
“Nói lại tôi nghe xem nào.” Người tù nhắc lại điều mình vừa nói.
“Vậy ư? Kể tiếp đi. Không phải anh đang nói chuyện xảy ra vào năm 1927
đấy chứ, khoan đã.” Vậy là người tù kể bằng giọng bình thản về những tờ
tạp chí, khẩu súng lục không thể nhả đạn, chiếc mặt nạ và cái đèn xách tay
đen xì mà trong đó chẳng có chỗ nào dành cho bấc đèn và ngọn lửa gần
như tắt ngay khi que diêm cháy hết nhưng vẫn làm nóng kim loại đến mức
không thể cầm nổi mà hắn tích cóp được cho vụ cướp tàu hỏa. Chỉ có điều
ông ta không nhìn vào mắt mình, cũng chẳng thèm nhìn miệng mình nói,
hắn nghĩ. Dường như ông ta đang nhìn xem cái cách tóc trên đầu mình mọc
như thế nào. “Tôi hiểu”, ông bác sĩ nói. “Nhưng có điều gì đó không ổn.
Nhưng anh có thừa thời gian để tính toán cơ mà. Để quyết định cái gì
không ổn, cái gì anh không thể làm được cơ mà.”
“Đúng vậy”, người tù nói. “Tôi đã suy nghĩ và tính toán chuyện đó
khá kỹ.”
“Vậy lần sau anh sẽ thực hiện kế hoạch một cách hoàn hảo.”
“Tôi không biết”, người tù nói. “Sẽ chẳng có lần sau đâu.” “Tại sao?
Nếu anh biết kế hoạch của mình không ổn ở chỗ nào, thì lần tới họ sẽ
không tóm được anh đâu.”