Người tù nhìn ông bác sĩ trân trân. Họ cùng nhìn nhau không chớp.
“Tôi nghĩ rằng tôi hiểu ý ông”, người tù nói. “Khi đó tôi mười tám tuổi.
Bây giờ tôi đã hai mươi lăm rồi.”
“Ồ”, ông bác sĩ nói. Giờ đây (người tù cố kể lại chi tiết đó) ông bác sĩ
vẫn chẳng nhúc nhích, chỉ thôi không nhìn người tù nữa. Ông ta lấy từ
trong túi áo khoác ra một bao thuốc lá loại rẻ tiền. “Làm một điếu chứ?”,
ông ta mời.
“Với tôi không hút cũng chẳng sao cả”, người tù nói. “Nhất trí”, ông
bác sĩ nói bằng giọng hòa nhã. Ông ta cất bao thuốc đi. “Giới chúng tôi
(giới hành nghề y) được trao cho cái quyền thít chặt hoặc nới lỏng bởi, nếu
không phải Đức Chúa Trời, thì bởi Hiệp hội Y khoa Mỹ, cái quyền mà theo
đó, trong ngày này của Đấng Sáng Tạo, tôi sẽ sử dụng tiền của mình với bất
cứ tỉ lệ nào, số lượng bao nhiêu, vào bất cứ lúc nào. Tôi không biết trong
dịp này giới hạn của mình là bao nhiêu và có được phép đi quá xa hay
không, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ liều một phen.” Ông ta khum tay làm loa
hướng về phía buồng lái. “Thuyền trưởng!”, ông ta gọi to. “Chúng ta sẽ để
ba hành khách này lên bờ ở đây.” Ông ta quay về phía người tù. “Đúng”,
ông ta nói, “tôi nghĩ tôi sẽ để đất mẹ của anh liếm bãi nôn của nó. Đây”.
Một lần nữa ông ta lại rút bàn tay ra khỏi túi áo cùng với một tờ bạc.
“Không”, người tù nói.
“Thôi nào, cầm lấy đi; tôi cũng không thích người khác tranh luận với
mình đâu.”
“Không”, người tù nói. “Nếu cầm tiền của ông, thì tôi chẳng có cách
nào gửi trả lại ông cả.”
“Tôi bắt anh phải trả lại sao?”
“Không”, người tù nói. “Tôi cũng không hề vay mượn ông.”
Vậy là một lần nữa hắn đứng trên đất khô, sau hai lần bị đùa giỡn bởi
sức mạnh tập trung và nực cười của nước, thêm một lần nữa hắn ngã xuống
mảnh đất mà hắn không biết của ai, thuộc thời nào. Hắn và người đàn bà,
đứng trên bờ đê vắng tanh với đứa trẻ đang ngủ im thin thít được bọc trong
chiếc áo dài bạc phếch và cái dây leo được dùng làm dây buộc thuyền vẫn
được quấn quanh cổ tay hắn, nhìn con tàu quay đầu và từ từ tiến ra vùng