cách kết hợp của đội đẩy xe, và tất cả những chiếc cáng trên thế giới đều
được đẩy bởi hai người không phải đồng đều về thể chất mà bởi sự tương
đồng trong mong muốn được hiện diện để xem điều gì sẽ xảy ra. Rồi anh
nhìn thấy một cánh cửa mở ra, bác sĩ phẫu thuật đã mặc sẵn áo mổ đứng
trong đó dưới ngọn đèn sáng chói, chiếc xe cáng rẽ ngoặt vào căn phòng ấy
rồi bị hút qua cửa; người bác sĩ nhìn anh một lần, không phải bằng ánh mắt
tò mò mà cốt để ghi nhớ một khuôn mặt, sau đó quay vào và đi theo chiếc
cáng; khi Wilbourne vừa định mở miệng nói với ông ta điều gì đó, cánh cửa
(cánh cửa chỉ phát ra tiếng mút của đệm cao su) đã đóng sập lại mà hầu như
không phát ra tiếng động, chẳng khác nào giáng một cái tát vào mặt anh,
viên sĩ quan liền nắm khuỷu tay anh rồi nói, “Yên tâm đi”. Sau đó một y tá
khác có mặt; anh không nghe thấy tiếng cô ta tới, mà cô ta chẳng nhìn anh
lần nào, chỉ nói gì đó rất ngắn gọn với viên sĩ quan cảnh sát. “Được rồi”,
viên sĩ quan bảo. Anh ta lại nắm cánh tay Wilbourne. “Đi nào. Bình tĩnh
nào.”
“Nhưng hãy để tôi...”
“Được rồi. Hãy bình tĩnh.” Tới một cánh cửa khác, cô y tá liền quay
người lại và bước sang một bên, chiếc váy nhăn nhúm của cô ta phát ra
tiếng lạo xạo rất giống tiếng của những mảnh vỏ sò bị dẫm; cô ta không
nhìn anh dù chỉ một lần. Họ bước vào văn phòng có một chiếc bàn làm việc
và người đàn ông khác đội mũ bác sĩ, mặc áo bờ lu phảng phất mùi thuốc
khử trùng ngồi ở bàn với mẫu tờ khai cùng chiếc bút máy. Ông ta lớn tuổi
hơn người bác sĩ đầu tiên anh thấy. Ông ta không nhìn Wilbourne trong lúc
hỏi: “Tên bệnh nhân là gì?”.
“Charlotte Rittenmeyer.” “Có chồng hay chưa?” “Có rồi.”
Người đàn ông điền thông tin vào tờ khai.
“Có chồng rồi?”
“Đúng vậy.” “Tên chồng?”
“Francis Rittenmeyer.” Anh trả lời rồi đọc địa chỉ của người mình vừa
nói tên. Ngòi bút lướt nhanh trên mặt giấy. Bây giờ thì vì chiếc bút máy kia
mà mình không thể thở được, Wilbourne nghĩ. “Liệu tôi có thể...”