Buổi thuyết trình của bạn cần phải dễ hiểu và dễ theo dõi. Quá nhiều chữ hoặc hình
ảnh sẽ làm người theo dõi bị rối mắt. Mỗi slide chỉ nên có một dòng tiêu đề lớn và ba
đến bốn gạch đầu dòng.
Quy tắc 2: K.I.F.P. (Keep It Fast Paced: Hãy thực hiện với nhịp độ nhanh)
Các khách hàng tiềm năng sẽ chán nản nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho một
slide. Bạn nên chuyển hai hoặc ba slide trong một phút. Đừng trình chiếu một slide và
đứng đó nói trong 10 phút liền. Hãy luôn giữ cho buổi thuyết trình chuyển động. Cứ
sau khoảng 15 giây, nên có một mục mới xuất hiện trên màn hình. Hoặc nếu một slide
chỉ có ba điểm chính, bạn nên cho mỗi điểm xuất hiện lần lượt. Nếu cả ba điểm cùng
xuất hiện một lúc thì khán giả của bạn sẽ đọc trước và bạn sẽ mất quyền kiểm soát.
Nếu được sử dụng hợp lý, các phương tiện trợ giúp trực quan sẽ cho phép bạn nắm
quyền kiểm soát nhiều hơn trong các buổi thảo luận, đào tạo. Trong một buổi hội thảo
chuyên đề trên web, việc để cho các hình ảnh thường xuyên chạy qua màn hình là rất
quan trọng. Vì bạn không có mặt ở đó để kiểm soát những việc họ làm nên họ có thể
kiểm tra e-mail và làm nhiều việc cùng lúc trừ khi cứ vài giây bạn lại cho họ xem
thêm những dữ liệu và hình ảnh mới tới mức họ không có thời gian để làm nhiều việc
cùng lúc.
Quy tắc 3: Sử dụng các ví dụ minh họa thực tế và số liệu thống kê gây ấn tượng
mạnh mẽ
Bạn có muốn khách hàng của mình phải thốt lên rằng: “Wow! Tôi đã không hề biết
đến điều đó” sau khi nghe bạn trình bày không? Như bạn đã tìm hiểu trong Chương 4,
việc mở màn buổi thuyết trình bằng cách đưa ra những thông tin được căn cứ trên sự
thật bao giờ cũng tạo ra cảm giác đáng tin cậy. Những số liệu thực tế có thể thiết lập sự
tín nhiệm của người nghe đối với bạn. Chúng khiến mọi người quan tâm và ghi nhớ
ngay lập tức và họ sẽ kể lại cho bạn bè, đồng nghiệp hoặc vợ chồng của họ. Các
thông tin gây ấn tượng mạnh mẽ cũng có thể thiết lập các tiêu chí mua hàng cho sản
phẩm hay dịch vụ của bạn và biến những người đã nghe buổi thuyết trình của bạn
thành một nhân viên bán hàng cho bạn.