không tự nhiên, có thể là trạng thái “thở không kịp ngáp”; “thở dồn dập”,
hoặc “nín thở” tùy theo áp lực công việc.
Dù không được nghe các bác sĩ tư vấn nhưng chắc chắn ai cũng biết
hơi thở có tầm quan trọng như thế nào đối với sự sống. Có những người dù
sức khỏe không tốt nhưng rồi, do biết cách làm chủ hơi thở theo đúng
phương pháp nên đã sống thọ. Nói như thế, không phải cho vui mà có
“nhân chứng vật chứng”, cụ thể trường hợp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Năm 1942, làm việc ở một bệnh viện gần ngoại ô Paris, ông bị bệnh
lao. Hồi đó chưa có thuốc chữa như hiện nay nên ông phải lên bàn mổ bảy
lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 lá phổi bên trái và tám xương sườn. Vì sức
yếu, mỗi lần chỉ cắt hai cái, đợi hai tháng sau mổ ra cắt tiếp hai cái khác,
nhiều lần tưởng nguy hiểm đến tính mạng. Sau này, ông cho biết: “Trong
những năm nằm viện, tôi đã có dịp đọc rất nhiều sách, trong đó có sách triết
học của Trung Quốc và Ấn Độ. Là người bị giảm nghiêm trọng về sức thở,
tôi đặc biệt chú ý đến phần Yoga - Trung Quốc gọi là khí công, trong đó
yếu tố rất quan trọng là biết thở cho đúng phương pháp. Tôi đã tìm ra con
đường sống cho mình từ đây”.
Phương pháp tập thở của ông gói gọn trong mấy câu vè nôm na, dễ
nhớ: “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai vai bất động/ Chân tay
thả lỏng/ Êm, chậm, sâu, đều/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/
Đứng ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”. Rõ ràng,
phương pháp thở đúng quy cách rất đơn giản mà hiệu quả cho sức khỏe
nhưng rồi chúng ta có thực hành?
Trong đời sống lúc va chạm nảy lửa, có người kiềm chế được sóng gió
để cặp bến trời yên biển lặng; có kẻ mất tự chủ nên đối mặt cuồng phong
bão táp để cuối cùng rơi vào vòng lao lý. Làm sao có thể tránh khỏi sự đáng
tiếc “chết người” ấy? Kinh nghiệm của không ít người cho biết, những lúc
gay cấn ấy hãy làm chủ việc điều khiển hơi thở của mình. Sự tĩnh tâm, lắng
nghe hơi thở sẽ giúp cho ta dần dần lấy lại bình tâm, sự tỉnh táo để có thể
giải quyết vấn đề một cách khôn khéo nhất.
Tôi còn nhớ, thời nhỏ đi học, lũ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”
thường có những cuộc cãi như mổ bò rồi xông vào ẩu đả chẳng ai nhường