TẬP CƯỜI
Thoát sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì?
N
guyễn Công Trứ - ông thi sĩ “chịu chơi” nhất trong các bậc túc Nho
cuối thế kỷ XVIII – giữa thế kỷ XIX đã nói đúng quá. Cứ nghĩ lại mà xem,
lúc nhàn rỗi ngồi bấm đốt ngón tay nhẩm lại năm tháng đã đi qua, hầu như
ai cũng cảm thấy buồn nhiều hơn vui. Những cay đắng, những âu lo, những
nghi ngại hằn vết sâu trong tâm tưởng nhiều hơn niềm vui, tiếng cười. Nghĩ
xong, tặc lưỡi não nùng với câu nói xưa như trái đất: “Đời là bể khổ”!
Đôi khi, cứ tưởng rằng để trưởng thành, con người ta chỉ cần “học ăn,
học nói, học gói, học mở...” là đủ. Nhưng than ôi, không hẳn thế, còn phải
tập cười nữa. Nói gì nghe lạ quá, bởi cười là một thuộc tính của con người.
Chỉ con người mới biết cười. Vui, dễ cười; buồn, khó cười là lẽ tự nhiên
của tâm sinh lý, hà cớ gì phải tập cười? Nói thế có đúng không? Vâng,
không sai chút tẹo tèo teo nào.
Tuy nhiên, tập cười không phải mỗi ngày đứng trước gương như thí
sinh sắp dự thi hoa hậu toàn cầu phải tập nhoẻn nụ cười thật mê ly, đắm
đuối. Lúc ấy, cười lên, nhếch mép lên cười, nhìn rõ vào trong gương và tự
điều chỉnh, đại khái, nụ cười chưa đẹp lắm, chưa tươi lắm mà dường như
hơi có nếp nhăn khóe miệng, dường như ánh mắt chưa long lanh như nàng
công chúa ngủ trong rừng... Tóm lại, nụ cười ấy chưa “hồn nhiên như cô
tiên”, cần phải “chỉnh sửa” lại hoặc phải tập qua kiểu cười khác!
Thử hỏi, đó có phải là cười?
Tôi quyết rằng, không.
Ý nghĩa đích thực của nụ cười, tiếng cười là phải xuất phát tự lòng
mình, tự sâu thẳm linh hồn đang sống trong tâm trạng muốn cười. Ơ hay, có